Năm cao điểm thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:49, 05/05/2016

BT- Vật tư nông nghiệp bao gồm các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuốc tăng trưởng các loại cây trồng; vật nuôi, phân bón, cây, con giống các loại... Vật tư thủy sản gồm thuốc phòng bệnh, thức ăn, con giống... Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong năm 2015, qua báo cáo từ 59/63 địa phương cho thấy các tỉnh, thành đã tiến hành thanh tra 49.451 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm; vấn đề bức xúc nhất qua thanh, kiểm tra là các vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Năm 2016, ngành nông nghiệp & PTNT vẫn lựa chọn là “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đúng quy định; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác là giả, kém chất lượng, nhập khẩu không rõ nguồn gốc… Trong năm cao điểm này, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với lực lượng công an thành lập 2 tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo. Mục đích của việc triển khai năm cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp nhằm ngăn chặn hiệu quả, tạo bước chuyển căn bản, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi; kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đúng quy định…

Để thực hiện tốt năm cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT với trách nhiệm chính cần chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông, báo, đài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong nhân dân để không sử dụng chất cấm; tham gia phát hiện, tố giác đấu tranh với các đối tượng cố ý sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác là giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, tiến hành tổ chức thống kê xác định các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lưu thông trên thị trường là kém chất lượng, không được phép sử dụng, cấm sử dụng, để thông báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và nhân dân được biết.

Công an tỉnh cần có kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Côngthương và các tổ chức có liên quan tổ chức trinh sát, điều  tra, thu thập thông tin, phát hiện đường dây, hành vi buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không đúng quy định; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác là giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Một thuận lợi lớn cho công tác tác kiểm tra xử lý hiện nay là Luật Hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, tại Điều 317 có quy định các tổ chức, cá nhân tổ chức, kinh doanh buôn bán, sử dụng chất cấm, chỉ cần có hành vi là có thể hình thành tội phạm. Khi Luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, các cơ quan chức năng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ và có tính răn đe hơn.

Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là vấn đề cấp thiết và quan trọng. Bởi nó có thể quyết định nền sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả. Vì vậy, ngành nông nghiệp & PTNT cùng các ngành chức năng cần tăng cường việc kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh hàng hóa không nhãn mác rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. Có như thế nông dân mới bớt đi những thiệt hại không đáng có, an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững.

THẾ NAM