Nâng cao chất lượng dân số là đầu tư cho tương lai

Đời sống - Ngày đăng : 14:01, 30/09/2021

BT- Qua 5 năm thực hiện Kết luận số 119 của Ban Bí thư gắn với 4 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, đến nay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp chung cho sự phát triển bền vững của đất nước. 
Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về dân số và phát triển” tại huyện Hàm Thuận Bắc (ảnh tư liệu).

Chất lượng dân số nâng lên

Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 21, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Nhờ đó, đến thời điểm này quy mô dân số toàn tỉnh ổn định, mức sinh giảm, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đạt chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm. Tỷ số giới tính khi sinh được khống chế. Thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt kế hoạch UBND tỉnh giao hàng năm.

 Để từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, Sở Y tế triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất. Trong đó, công tác truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển được đẩy mạnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của từng nhóm đối tượng trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Từ năm 2017 đến nay, công tác truyền thông từng bước chuyển đổi trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về DS, SKSS/KHHGĐ tập trung vào các đợt như: Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao.

Bên cạnh đó, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chiếu phim, tư vấn và thăm hộ gia đình. Song song, truyền thông trong chức sắc, tôn giáo, đồng bào dân tộc, vùng ven biển, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ. Nhờ vậy, kiến thức về dân số, SKSS/KHHGĐ, sự hiểu biết về chính sách pháp luật, kỹ năng lựa chọn và thực hiện hành vi của người dân ngày càng được nâng cao. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.  

Phấn đấu đạt mức sinh thay thế

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Trong đó, đáng chú ý là một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự nhận thức đầy đủ tính chất quan trọng, phức tạp, lâu dài của công tác dân số nên có lúc có nơi còn lơ là, thiếu quyết liệt và chưa thường xuyên. Mặt khác, áp lực tài chính trong việc nuôi con nhỏ nên dẫn đến tâm lý ngại sinh con đối với các cặp vợ chồng trẻ làm mức sinh chung của tỉnh giảm nhưng không đồng đều tại các địa phương.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc ít người. Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Nâng cao chất lượng dân số... Để thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong lĩnh vực dân số, cấp ủy, các ngành phải xác định công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm từ việc giảm sinh sang sinh đủ 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành, các cấp. Nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, khu phố về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân số, chú trọng chuyển mạnh sang thực hiện chính sách dân số và phát triển. Đồng thời, lựa chọn, triển khai và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả, phù hợp từng nhóm đối tượng, hướng vào các cặp vợ chồng trẻ. Mặt khác, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng…

Thu