Thêm khó khăn để gỡ “thẻ vàng” EC
Kinh tế - Ngày đăng : 15:04, 30/09/2021
BT- Tại hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh mới đây, hầu hết các thành viên BCĐ đều nhìn nhận, dù Bình Thuận có nhiều nỗ lực, nhưng công tác triển khai các giải pháp chống khai thác IUU chưa bền vững, nguy cơ còn rất cao. Ngoài việc còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì việc thu nộp nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản hay giám sát hoạt động tàu cá trên biển vẫn còn nhiều bất cập.
Toàn tỉnh còn 106 tàu chưa lắp thiết bị VMS. Ảnh: Ngọc Lân |
Thường xuyên mất kết nối trên biển
Tính đến ngày 15/9/2021, toàn tỉnh có 1.817/1.925 tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 94,39%. Trong đó, nhóm tàu từ 24 m trở lên lắp đặt 35/35 tàu (đạt 100%), nhóm tàu từ 15 đến dưới 24 m lắp đặt được 1.782/1.890 tàu (đạt 94,29%). Riêng thuyền nghề giã cào bay đã lắp đặt VMS là 95/98 tàu (đạt 96,93%). Nhìn chung, việc triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, tỷ lệ lắp đặt đến nay thuộc tốp cao trong cả nước. Trung tâm giám sát tàu cá bước đầu đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong công tác kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ vượt biên khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, kết quả lắp đặt chưa đạt 100% theo quy định.
Tuy đã lắp thiết bị VMS nhưng tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây khó khăn trong việc kiểm soát và tiềm ẩn nguy cơ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong 9 tháng qua, Trung tâm giám sát dữ liệu tàu cá đã phát hiện hơn 100 tàu cá của tỉnh mất kết nối trên 10 ngày trên biển (chưa kể nhiều tàu cá mất kết nối trong một vài ngày hoặc vài giờ đồng hồ). Giải thích nguyên nhân, ông Lê Thanh Bình – Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết, việc mất kết nối thiết bị VMS đa phần do các chủ tàu ngừng đóng phí thuê bao sử dụng dịch vụ nên bị ngắt kết nối vệ tinh (khoảng 500 tàu). Một số khác mất kết nối do thiết bị VMS không đảm bảo và cũng có trường hợp do thuyền trưởng cố tình tác động. “Đặc biệt, phần mềm giám sát tàu cá còn nhiều bất cập khi hệ thống tọa độ ranh giới biển chưa có sự thống nhất giữa các nhà cung cấp thiết bị. Ngoài ra, việc sử dụng dữ liệu giám sát hành trình tàu cá để làm căn cứ pháp lý xử phạt vi phạm hành chính chưa thực hiện được, đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Nghĩa là, Chi cục Thủy sản không thể sử dụng dữ liệu giám sát để “phạt nguội” nếu phát hiện tàu cá vi phạm trên biển”, ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều địa phương còn đề cập đến chi phí lắp đặt và phí duy trì hoạt động thiết bị VMS đang là gánh nặng của ngư dân. Ngoài việc mua máy, ngư dân phải trả thêm một khoản cố định hàng tháng cho thuê bao dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng… trong khi hầu hết các chủ tàu đang gặp nhiều khó khăn khi nằm bờ dài ngày do dịch Covid – 19 và nghề khai thác hải sản trong những năm gần đây liên tiếp mất mùa. Ngoài ra, có một số ít ngư dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá. Do đó, lãnh đạo TP. Phan Thiết đã kiến nghị các đơn vị cung cấp thiết bị VMS nên xem xét, không thu phí dịch vụ thuê bao khi tàu nằm bờ dài ngày, đặc biệt là sắp vào mùa bấc.
Xử phạt nặng tàu cá vi phạm
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cũng chỉ rõ, các hành vi vi phạm khai thác IUU theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh còn khá phổ biến như vi phạm quy định về nghề cấm khai thác, vùng hoạt động, giấy phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm; ghi và nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác... nhưng xử lý chưa thực sự quyết liệt, thiếu tính răn đe, ảnh hưởng đến kết quả chống khai thác IUU trên địa bàn. Ngoài ra, lãnh đạo BĐBP tỉnh còn kiến nghị cần đổi mới phương thức tuyên truyền và hạn chế thấp nhất việc mất kết nối thiết bị VMS để dễ kiểm soát những tàu cá có ý định khai thác bất hợp pháp. Nếu ngư dân cố tình vi phạm phải có chế tài xử lý nghiêm.
Chỉ đạo tại cuộc họp BCĐ chống khai thác IUU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC. Muốn hoạt động khai thác thủy sản bền vững thì phải từng bước thay đổi tập quán, nhận thức của ngư dân và tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động này. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Hiện nay, hầu hết các trường hợp tàu cá vi phạm thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Vì vậy, yêu cầu Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tỉnh rà soát, quản lý nhóm tàu cá thường xuyên neo đậu, xuất bến ngoài tỉnh; phân loại tàu cá nguy cơ cao, nhất là tàu cá nhiều tháng, nhiều năm không về địa phương, tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh mà chưa làm thủ tục… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền ngư dân chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản, ngăn chặn, giảm thiểu hành vi vi phạm khai thác IUU. Ngoài ra, yêu cầu Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 245 ngày 14/9/2021 về chống khai thác IUU.
Riêng 106 tàu cá còn lại chưa lắp thiết bị VMS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần phân loại, rà soát lại ngành nghề tàu cá khai thác, vùng khai thác; tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh, chờ thanh lý… để đưa ra khỏi danh sách phù hợp, sớm hoàn thành 100% việc lắp VMS theo quy định trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, với những tàu cá đã lắp VMS, nhưng tắt kết nối trên 10 ngày, cần có chế tài xử lý nghiêm; đưa những chủ tàu này ra khỏi danh sách được hỗ trợ theo Nghị định 67 nếu liên tục vi phạm. Với những tàu mới phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cần khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm nhằm răn đe và không tái phạm.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 106 chiếc chưa lắp thiết bị VMS, trong đó có 2 tàu bán ngoài tỉnh đang làm thủ tục sang tên, 25 tàu hư hỏng nằm bờ, 5 tàu đang tranh chấp, thi hành án, 11 tàu chỉ hoạt động ven bờ (nghề lồng bẫy), 10 tàu có công suất dưới 90CV hoạt động ven bờ, 13 tàu mua bán đến huyện khác chưa đăng ký lại và còn 42 tàu ít đi khai thác do hoạt động kém hiệu quả, thiếu lao động. |
Minh Vân