Nghiên cứu mới tiết lộ xu hướng tiến hóa của virus SARS-CoV-2: Mạnh hơn và khó đối phó hơn
Quốc tế - Ngày đăng : 16:27, 03/10/2021
Việc nhận ra virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua không khí khi ở những không gian trong nhà đã làm thay đổi những nỗ lực kiềm chế đại dịch vào năm ngoái khi làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và hệ thống thông gió tại các không gian công cộng.
Ảnh minh họa: Reuters
Hầu hết các nghiên cứu mới đều không thay đổi đổi quan điểm này. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây đã cho thấy yêu cầu cần sử dụng khẩu trang tốt hơn trong một số trường hợp và chỉ ra rằng, virus đang thay đổi hành vi để trở nên ngày càng mạnh hơn và khó đối phó hơn.
"Đây không phải là viễn cảnh tận thế mà điều này giống như việc virus điều chỉnh để trở nên dễ lây nhiễm hơn. Đây là thực tế mà tôi nghĩ chúng ta đều dự đoán được và chứng kiến nó đang xảy ra trong thời gian thực", chuyên gia về virus Vincent Munster tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đồng thời là chủ nhiệm các nghiên cứu mới cho hay.
Đội ngũ của ông Munster thấy rằng, các hạt khí dung nhỏ di chuyển được khoảng cách xa hơn so với các hạt khí dung lớn và biến thể Alpha có khả năng cao hơn nhiều trong việc gây nên các ca bệnh mới qua việc lây nhiễm qua khí dung. Nghiên cứu thứ hai của các chuyên gia cũng cho thấy, những người nhiễm biến thể Alpha khi thở ra có lượng virus nhiều hơn 43 lần trong các hạt khí dung nhỏ so với các chủng virus trước đó.
Các nghiên cứu đã so sánh biến thể Alpha với chủng virus ban đầu hoặc các biến thể trước đó. Tuy nhiên, kết quả trên có lẽ cũng giải thích được tại sao biến thể Delta lại dễ lây nhiễm như vậy và tại sao nó thay thế tất cả các biến thể khác để trở thành biến thể áp đảo trên toàn thế giới.
"Điều này thực sự cho thấy virus đang tiến hóa để trở nên dễ lây nhiễm hơn qua không khí", Linsey Marr, chuyên gia về các loại virus lây nhiễm qua không khí tại Đại học Công nghệ Virginia cho hay.
Biến thể Alpha đã cho thấy khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng virus ban đầu và biến thể Delta có chứa các đột biến thậm chí còn có khả năng lây nhiễm cao hơn. Khi virus tiếp tục thay đổi, các biến thể mới có lẽ sẽ xuất hiện và trở nên dễ lây nhiễm hơn, các chuyên gia đánh giá.
Tuy nhiên, các công cụ hiện nay mà chúng ta sở hữu vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm. Thậm chí việc đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải lỏng vẫn có thể ngăn một nửa số lượng hạt khí dung chứa virus, một nghiên cứu trên những người nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases cho hay.
Dù vậy, khi đến những không gian đông người, mọi người nên cân nhắc đổi sang những loại khẩu trang có khả năng bảo vệ cao hơn, Don Milton, chuyên gia tại Đại học Maryland nhận định.
Theo các chuyên gia, các nghiên cứu mới đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, thậm chí cả với những người đã được tiêm vaccine, đặc biệt là ở không gian đông người. Mặc dù những ca mắc đột phá ít có nguy cơ lây lan virus hơn nhiều so với những người chưa tiêm vaccine những sự lây nhiễm vẫn có thể xảy ra.
Với hàng tỷ người trên thế giới đã được tiêm vaccine và hàng tỷ người chưa được tiêm vaccine, virus vẫn có thể thay đổi theo những cách thức không ngờ tới.
Chuyên gia Munster cho rằng: "Có lẽ sẽ có thêm những sức ép tiến hóa định hình xu hướng tiến hóa của loại virus này".
Kiều Anh/VOV