Thị trường vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề
Kinh tế - Ngày đăng : 08:52, 06/10/2021
Nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng rơi vào cảnh “đóng băng”. |
Ngay khi thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi áp dụng Chỉ thị 16, mọi công trình xây dựng lớn nhỏ buộc phải tạm ngưng để phòng chống dịch, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như hợp đồng các công trình xây dựng. Không riêng gì những nơi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bị ảnh hưởng, mà các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng ở các huyện đang áp dụng Chỉ thị 15 cũng rơi vào cảnh lao đao.
Đi dọc quốc lộ 1A thuộc địa phận Bắc Bình, có khoảng chục cửa hàng vật liệu xây dựng lớn nhỏ, nhưng nơi nào cũng đìu hiu, vắng tanh. Vào cửa hàng vật liệu xây dựng Sanh Bi – thôn Thái Thành, xã Hồng Thái, chúng tôi thấy cửa hàng trưng bày đa dạng mẫu mã từ gạch, đá, đồ trang trí nội thất… nhưng vắng người mua. Chị Nguyễn Thị Đoan Trinh – chủ cửa hàng này cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu như sắt thép, gạch, đá, xi măng… tăng liên tục so với những năm trước; trong đó tăng mạnh nhất là sắt thép, nhất là thời điểm vào tháng 5/2021 tăng đến hơn 40%. Vật liệu xây dựng tăng ngay lúc cao điểm mùa xây dựng và dịch bắt đầu có dấu hiệu diễn biến phức tạp khiến nhiều người có nhu cầu xây nhà ở lo lắng, đành gác lại việc xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa do đội chi phí quá nhiều. Vì vậy, nhu cầu xây dựng năm nay giảm hơn 80% so với năm ngoái, khiến nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng rơi vào cảnh “đóng băng”. Kéo theo đó là 9 lao động tự do trong cửa hàng này cũng bị giảm lương, nhiều xe tải nằm im trong kho, hàng hóa nhiều nhưng vắng khách.
Chị Trinh cho biết thêm: “Vùng đất Bắc Bình này “no hay đói” phụ thuộc nhiều vào giá thanh long. Tuy nhiên, khi dịch diễn biến phức tạp, thanh long treo đỏ cây không ai thèm hái vì giá chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Mất thu nhập, cộng thêm giá vật liệu xây dựng tăng phi mã nên nhu cầu xây dựng giảm sâu chưa từng có. Thời điểm năm 2019, thanh long được giá, các cửa hàng vật liệu xây dựng bán không ngơi tay, thợ, thầu tìm không ra. Nay nhiều công trình tạm hoãn, nên thầu, thợ hồ đều rơi vào cảnh thất nghiệp”. Anh Nguyễn Duy Thái – thị trấn Chợ Lầu, chuyên lái xe tải nhỏ chở vật liệu xây dựng cho các công trình than thở: “Chưa khi nào tôi thấy thị trường vật liệu xây dựng lại bị ảnh hưởng như hiện tại. Cả tháng nay, các cửa hàng không có đơn hàng nào, nên tôi cũng thất nghiệp, đành xin đi khiêng thanh long cho một số vựa thu mua kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Đối với doanh nghiệp ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, lượng khách hàng cũng giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét hoãn kế hoạch lại. Hoặc vẫn tiếp tục hợp đồng nhưng phải cắt giảm quy mô xây dựng, hoặc giảm bớt nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt, nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi. Anh Nguyễn Tấn Phát – thị trấn Chợ Lầu – 1 chủ thầu chia sẻ: “Vừa đón tết xong, tôi nhận đến 4 công trình nhà ở, khởi công trong tháng 4, 5. Bỗng nhiên, giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, nên 2 khách hủy hợp đồng, 2 khách còn lại từ xây nhà 2 tầng cũng làm gọn 1 tầng, do chi phí phát sinh trong xây dựng tăng khoảng 30%”.
Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người dân. Các ngành chức năng phải kịp thời công bố giá các loại vật tư, vật liệu, thiết bị chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư xây dựng. Chủ các cửa hàng vật liệu xây dựng trong tỉnh cũng mong muốn Nhà nước có chính sách giảm 50% thuế những tháng địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16 để chia sẻ khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu các đối tượng, nghề nghiệp, nơi áp dụng được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68 phù hợp hơn, giúp người dân ấm lòng hơn giữa đại dịch.
Minh Vân