Những con thuyền “không số”

Đời sống - Ngày đăng : 09:05, 07/10/2021

BT- Được xác định là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, những năm qua Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Tuy nhiên, việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng như cấp phép khai thác thủy sản chưa được chính quyền địa phương quan tâm, dẫn đến phát sinh hàng ngàn con thuyền “không số”, nhưng vẫn vươn khơi. Điều này dẫn đến việc quản lý ngư trường gặp nhiều khó khăn khi các tàu thuyền hoạt động chồng chéo, lấn tuyến kéo theo những vi phạm trong khai thác.

Bài 1: Hàng ngàn con thuyền “2 không”

Không có giấy phép khai thác hải sản, không đăng ký, đăng kiểm, nhưng những chiếc thuyền này vẫn vươn khơi đánh bắt. Trong khi ngành chức năng lại chưa đảm bảo việc quản lý, kiểm soát tàu cá, không chỉ gây mất an toàn cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến công tác chống khai thác IUU của tỉnh.

Thuyền thúng phát sinh rất nhiều ở các địa phương nhưng chưa được quản lý (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

 Hoạt động chui nhiều

Ông Nguyễn Văn Út (thị trấn Phan Rí Cửa) vừa sửa soạn vài tay lưới để chuẩn bị cùng chiếc thuyền nhỏ ra khơi như thường lệ. Ông Út khoe: “Tôi mượn bà con gần 100 triệu đồng để đóng thuyền, có gắn máy nên đi biển tiện hơn. Hơn 10 năm đi bạn cho thuyền lớn, khó khăn gì cũng trải qua rồi, nhưng giờ nguồn lợi hải sản ít lắm, bạn bỏ biển làm nghề bờ hết. Tôi đành tự sắm thuyền đi khai thác chỉ cách bờ vài hải lý, tối đi sáng sớm lại vô, kiếm vài trăm ngàn đồng đắp đổi qua ngày”. Tôi hỏi, khi đóng thuyền mới có phải đăng ký chính quyền địa phương không? Ông Út thật thà: “Có ai hỏi gì đâu, bà con sắm thuyền thúng tự đi khai thác nhiều lắm. Tôi nghe nói, muốn được cấp giấy phép khai thác hải sản thì phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về vỏ phương tiện, máy móc, số người tham gia đánh bắt hải sản... Trong khi đó, thuyền của tôi nhỏ, chỉ có công suất 20CV, lại đánh bắt gần bờ chuyến được thì ít, chuyến mất thì nhiều, nên tôi thấy không cần”.

Ông Út chỉ là một trong hàng trăm chiếc thuyền có chiều dài từ 6 – 12m của huyện Tuy Phong phát sinh mới nhưng chưa được ngành chức năng kiểm soát. Những năm gần đây, tình trạng ngư dân tự sắm thuyền thúng, hay sang nhượng những thuyền công suất nhỏ nhưng không có giấy tờ đăng kiểm tăng đột biến. Theo Luật Thủy sản 2017, nhóm tàu cá có chiều dài từ 6 - 12m đều phải thực hiện giấy phép khai thác hải sản. Tuy nhiên, số lượng này chưa được chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

Không riêng gì Tuy Phong, mà toàn tỉnh số tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm chiếm tỷ lệ thấp. Theo số liệu mà Chi cục Thủy sản đã phối hợp các địa phương vùng biển rà soát, toàn tỉnh hiện có 11.271 tàu cá các loại, tổng công suất khoảng 1,35 triệu CV với 42.268 lao động trực tiếp khai thác thủy sản. Trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên có 36 chiếc; nhóm tàu từ 15 - dưới 24m có 1.963 chiếc; nhóm tàu từ 12 - dưới 15m có 1.987 chiếc; nhóm tàu từ 6 - dưới 12m có 3.414 chiếc; nhóm tàu dưới 6m (bao gồm cả thuyền thúng) có 3.907 chiếc. Tuy nhiên, so với số liệu đang được theo dõi tại Chi cục Thủy sản, chênh lệch phát sinh đến 4.511 tàu cá các loại, trong đó, nhóm tàu cá từ 6m trở lên phát sinh tăng 785 chiếc, nhóm tàu cá dưới 6m thuộc trách nhiệm thống kê quản lý của UBND cấp xã phát sinh mới là 3.726 tàu cá (gồm cả thuyền thúng gắn máy trước nay chưa được thống kê), trong đó, Tuy Phong 1.166 chiếc, La Gi 1.101 chiếc, Phan Thiết 547 chiếc, Hàm Thuận Nam 524 chiếc, Bắc Bình 257 chiếc, Hàm Tân 104 chiếc và Phú Quý 87 chiếc.

 Nhưng thiếu quản lý

Bên cạnh đó, số tàu cá đã thực hiện đăng ký (chiều dài từ 6m trở lên) là 5.288 chiếc; so với số liệu rà soát, thống kê mới nhất (7.364 tàu cá), chỉ đạt 71,8%, còn lại 2.976 tàu cá (chiếm 28,2 %) chưa đăng ký, trong đó, Phú Quý 627 chiếc, La Gi 484 chiếc, Tuy Phong 476 chiếc, Hàm Tân 215 chiếc, Phan Thiết 188 chiếc. Đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m tỷ lệ chưa đăng ký chiếm đến 58,2%. Ngoài ra, số tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản còn hạn đến thời điểm hiện tại (tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên) là 3.997 chiếc. Như vậy, so với số liệu thống kê mới nhất (7.364 tàu cá) thì số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản không có giấy phép là rất lớn, nhiều nhất là nhóm tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m. Qua đó cho thấy, việc thực hiện phân cấp quản lý tàu cá có công suất dưới 20 CV hoạt động vùng biển ven bờ tại các địa phương theo Quyết định số 11 ngày 2/4/2015 của UBND tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ, không kiểm soát được số lượng. Số tàu cá không đăng ký, hoạt động khai thác không có giấy phép còn rất nhiều.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, suốt thời gian dài, tàu thuyền được quản lý theo công suất, trong khi phần lớn số phương tiện có chiều dài 6 – 12m có công suất dưới 20CV, thuộc phân cấp quản lý của cấp huyện. Thế nhưng hầu hết các địa phương giáp biển chưa chú trọng việc quản lý cũng như cấp giấy phép khai thác hải sản cho nhóm tàu cá này, nên rất khó vận động tất cả chủ tàu cá có chiều dài 6 – 12m thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thủy sản 2017. Muốn phát triển thủy sản bền vững cần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, và phải từng bước tuyên truyền để nhiều ngư dân thay dần tập quán khai thác manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp mà gây hệ lụy lớn đến môi trường, sinh thái biển.  

Minh Vân