Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp cần chủ động
Kinh tế - Ngày đăng : 10:02, 05/07/2016
Thanh long Bình Thuận và nước mắm Phan Thiết được đăng ký nhãn hiệu. |
Đối với đơn kiến nghị của Công ty TNHH MTV An Luật liên quan đến tranh chấp quyền lợi giữa Công ty TNHH Tranh cát Ý Lan với Công ty TNHH Tranh cát Phi Long, Sở KH & CN đã mời các bên liên quan đến thỏa thuận, giải thích cụ thể mặt được, không được, hậu quả sẽ xảy ra trong vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên đến nay giữa hai bên doanh nghiệp vẫn chưa đồng thuận, có thể khởi kiện ra tòa án để được giải quyết quyền lợi theo quy định pháp luật. Riêng Công ty TNHH ECO (24 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Phan Thiết) đề nghị xem xét Novela Resort đóng trên cùng đoạn đường du lịch trưng bày bảng hiệu mà ECO đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận từ trước. Qua thụ lý, Sở KH & CN cho rằng, Novela Resort gắn bảng hiệu “Sailing Club Muine” không vi phạm “SC Sailing Club” của ECO… Qua đó cho thấy, quyền SHTT đang được một số cơ sở, doanh nghiệp (DN) chú trọng, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Về phía Sở KH & CN hàng năm phối hợp Cục SHTT - Bộ KH & CN tập huấn thực thi quyền SHTT, bảo vệ quyền lợi cho DN, cá nhân sở hữu nhãn hiệu, bằng sáng chế. Trong buổi tập huấn mới đây, bà Hà Nguyệt Thu, Cục SHTT chỉ rõ, các DN nhỏ và vừa trong cả nước, vấn đề SHTT vẫn còn tương đối mới. Hầu hết các DN chưa nhận thức được tầm quan trọng đăng ký bảo hộ cũng như bảo vệ quyền SHTT của mình. Thậm chí có DN còn không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhãn hiệu với bản quyền kiểu dáng nên không biết áp dụng như thế nào cho đúng. Đôi khi nhiều DN Việt Nam vi phạm SHTT một cách vô tình. Số liệu thống kê cho thấy trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, chỉ có 20% của DN Việt Nam, đa số nhãn hiệu đăng ký của các DN tư nhân. Các vi phạm SHTT tại Việt Nam đang được xử lý bằng xử phạt hành chính, mức cao nhất với DN là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng, nhưng có không ít trường hợp phạt xong lại vi phạm. Cần lưu ý khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vi phạm sẽ được xử lý hình sự. Theo bà Hà Nguyệt Thu, DN cần nâng cao nhận thức SHTT, hiểu rõ quyền SHTT giúp DN có thể khai thác tối đa những lợi ích SHTT đem lại. DN phải chủ động thay đổi, làm chủ công nghệ sản xuất để tham gia sân chơi quốc tế. Ngoài ra, khi nước ta tham gia TPP, DN phải quan tâm hơn đến đăng ký bảo hộ, thực hiện SHTT ở các quốc gia mà Việt Nam ký kết thương mại, cũng như hiệp định tự do khác.
Thụy Khanh