Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 12/07/2016
Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Đ.H |
Tuy việc tập huấn đã góp phần cung cấp kiến thức sử dụng thuốc BVTV và các biện pháp quản lý sâu bệnh cho nông dân, nhưng tình hình sử dụng thuốc BVTV tại Bình Thuận còn bất cập. Thực tế cho thấy, hiện không ít bà con còn quá lệ thuộc vào thuốc BVTV trong việc quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng. Mặt khác, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, không đảm bảo thời gian cách ly trên cây trồng vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trên cây ăn quả và cây rau. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (dư lượng thuốc). Quan trọng hơn, hiện nhiều người dân vẫn chưa chú ý đến vấn đề an toàn lao động trong việc sử dụng thuốc BVTV. Nông dân một số vùng trồng rau quả chưa chú ý đến việc sử dụng thuốc theo đúng quy định, gây ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm…
Từ thực trạng trên, theo đại diện chi cục BVTV tỉnh, để tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV của nông dân và các cơ sở buôn bán thực hiện theo đúng với những quy định củanhà nước, Chi cục BVTV đã đề ra một số kiến nghị giải pháp. Trong đó nhấn mạnh, thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.Vì vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV trước khi kinh doanh. Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV phải thường xuyên cập nhật thông tin qua các lớp tập huấn định kỳ của Chi cục BVTV Bình Thuận và các phương tiện truyền thông khác. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV khi kinh doanh, cần phải nắm được danh mục thuốc BVTV hàng năm của Việt Nam và chỉ buôn bán và hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng danh mục.
Riêng về việc sử dụng thuốc BVTV, khuyến cáo bà con sử dụng những loại thuốc có độ an toàn cao đối với môi trường và sản phẩm. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV trên thanh long, cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Trong đó sử dụng thuốc BVTV phun trên trái thanh long phải đúng khuyến cáo của Chi cục BVTV và theo danh mục thuốc được sử dụng trên rau quả. Mặt khác, khi gặp phải các đối tượng bệnh hại mới trên cây thanh long, bà con nên liên lạc với Trạm BVTV địa phương hoặc Chi cục BVTV để có biện pháp phòng trừ hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc phun xịt. Quá trình phun xịt, nông dân phải trang bị bảo hộ lao động để giảm thiểu tác động của thuốc lên người lao động. Đáng lưu ý, hiện nay bệnh đốm nâu trên thanh long đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất trái thanh long. Xuất phát từ sự lo lắng này, hầu hết các hộ dân đều sử dụng thuốc BVTV để phun xịt nhưng hiệu quả thấp (chưa có thuốc đặc trị), để lại dư lượng trên trái thanh long. Do đó, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng biện pháp quản lý tổng hợp, chú trọng việc vệ sinh tiêu hủy cành, trái bệnh và lấy chồi né bệnh, không tưới vào chiếu tối…
“Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ước tính tại Bình Thuận mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 1.400 tấn thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ khoảng 400 tấn, thuốc trừ sâu 700 tấn, thuốc trừ bệnh 300 tấn, với chi phí ước 247 tỷ đồng mỗi năm”. |
KiỀu HẰng