Phụ nữ Đông Hà giúp nhau làm kinh tế
Đời sống - Ngày đăng : 09:11, 11/10/2021
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Những ngày này chị Phạm Thị Thái – hội viên phụ nữ thôn Đông Tân bận rộn thu hoạch lứa măng tây cuối cùng bỏ mối bán ra các chợ ở xã. Trước đây, cuộc sống gia đình chị Thái chật vật, nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Chồng đi làm công nhân ở tận Đồng Nai, một mình chị ở nhà quán xuyến mọi việc. Trên mảnh vườn nhỏ của gia đình nhiều đêm chị trăn trở: Trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện sinh kế gia đình. Khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp chị đăng ký tham gia và tìm tòi thêm để tìm ra hướng đi phát triển kinh tế gia đình. Với tính cần cù, chịu khó từ số vốn ít ỏi, ban đầu chị Thái đầu tư nuôi 1 – 2 con dê, nay đã lên 20 con. Ngoài ra, chị còn duy trì nuôi 50 con heo thịt, heo nái cho thu nhập ổn định. Năm 2019, khi được địa phương cử đi tham quan học tập mô hình trồng cây măng tây xanh ở Ninh Thuận. Trở về chị tham gia thêm lớp học nghề ngắn hạn kỹ thuật trồng măng tây xanh rồi tiên phong trồng thử nghiệm. Chị là hộ đầu tiên ở xã trồng cây măng tây hiệu quả, nhân rộng ra một số hộ khác. “Hồi đó thiếu vốn tôi mạnh dạn vay thêm của Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng đầu tư trồng 3 sào măng tây, sau thấy hiệu quả đã mở rộng lên 5 sào. Tôi tự tìm hiểu làm vườn ươm giống nên giảm đáng kể chi phí sản xuất”, chị Thái nói.
Không chỉ vậy, chị Thái còn được chị em trong thôn yêu quý bởi tinh thần tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau vươn lên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Gần đây, khi cây hồ tiêu trên địa bàn xã liên tục chết, giảm năng suất ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều chị em phụ nữ. Từ kinh nghiệm tích lũy bản thân chị động viên một số chị em phụ nữ chuyển đổi sang trồng rau sạch trên số diện tích cây hồ tiêu bị chết. Hiện nay, vườn rau của các chị đầu ra ổn định, cải thiện thu nhập cho gia đình, giảm bớt những khó khăn so với trước đây. Chị Thái chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy nhiều chị em phụ nữ nông thôn hạn chế lớn nhất là ngại thay đổi cách nghĩ cách làm, chưa mạnh dạn tiếp cận những kiến thức mới để phát triển kinh tế gia đình, từ suy nghĩ đó thôi thúc tôi phải thay đổi”. Lan tỏa cách nghĩ, cách làm của chị Thái nhiều chị em trong thôn sống chan hòa đùm bọc, không ai bảo ai thu hoạch được gì trong vườn từ bó rau, quả bí các chị đều mang đến tặng chợ “0 đồng” của Hội Phụ nữ xã giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Đồng hành phụ nữ vượt khó
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Trâm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Hà cho biết: “Xã Đông Hà có 4 thôn gồm Đông Tân, 2A, 2B và Nam Hà, các chi hội phụ nữ các thôn đều hoạt động sôi nổi trong các phong trào thi đua, đặc biệt là phụ nữ tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế mà chị Thái là gương điển hình trong chuyển đổi cây trồng hiệu quả”. Hội Phụ nữ xã Đông Hà xác định, hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, thời gian qua hội đã đứng ra ký ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, vận động thành lập các tổ hùn vốn tiết kiệm, xây dựng quỹ từ các mô hình, câu lạc bộ, đến nay có trên 1.400 hội viên vay vốn sản xuất. Hội thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề, các chương trình tọa đàm, tổ chức đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi giúp các chị thay đổi tư duy trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình: Kinh tế trang trại, phát triển nghề mây đan tre, tổ hợp tác nuôi vịt kết nối tiêu thụ sản phẩm trên 20.000 con, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu “Trồng rau sạch trên đất lúa 1 vụ”…
C.Tường