Dạy học ứng phó với đại dịch

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:33, 11/10/2021

Bài 1: Vượt khó dạy học online

BT- Đã bước sang tuần thứ 4 của năm học mới 2021 - 2022, học sinh từ lớp 6 - 12 trên địa bàn tỉnh học tập bằng hình thức trực tuyến. Với hình thức dạy học này sẽ là lựa chọn thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn đòi hỏi ngành giáo dục phải nỗ lực vượt khó để đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch, chất lượng giáo dục.

 Học sinh thích ứng

Qua 3 tuần học tập bằng hình thức trực tuyến, 2 chị em Huỳnh Ngọc Trinh - lớp 10 Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) và em Huỳnh Yến Nhi – lớp 7 Trường THCS Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đã quen dần với hình thức học tập này. Thay vì đến lớp học tập trung như trước đây, Trinh và Nhi được ba mẹ trang bị cho điện thoại thông minh để học tập. Đây là năm học đầu tiên 2 em học tập bằng hình thức trực tuyến nên những buổi học đầu tiên còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn trong việc tương tác học tập. Nhưng đến nay các em đã khá thành thạo, trao đổi, tương tác với thầy cô giáo trong các bài giảng giúp việc học tập online thuận lợi hơn. Em Huỳnh Ngọc Trinh chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, em thấy học bằng hình thức trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn hơn. Thầy cô giáo cũng rất tận tình trong việc giảng dạy, sẵn sàng giải đáp những chỗ chưa hiểu cho chúng em. Là học sinh đầu cấp, do ảnh hưởng dịch bệnh nên chúng em chưa đến trường nhưng qua màn hình em cũng đã làm quen với bạn mới, thầy cô giáo mới. Em cũng mong dịch bệnh sớm đẩy lùi để được đến trường học tập được tốt hơn”. Tương tự, em Cao Trần Gia Hân – học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Phan Thiết) được ba mẹ chuẩn bị cho một chiếc máy tính có cài đặt zalo để em vào đường link của lớp tham gia học trực tuyến. Bước đầu hình thức học này khá mới mẻ, khó khăn với em. Bởi đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 nên em Hân cũng như phụ huynh khá lo lắng khi học trực tuyến, liệu học sinh có tiếp thu được kiến thức hiệu quả?. Tuy nhiên, với sự giảng dạy tận tình của cô giáo đến nay em cũng đã thích ứng được với phương pháp học tập này. Hân chia sẻ: “Mặc dù ở nhà nhưng vẫn được nghe cô giáo giảng bài qua online và em hiểu bài một cách nhanh chóng. Những bài giảng nào chưa hiểu thì em bật micrô hỏi cô, để cô giảng lại cho em hiểu”.

Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp học sinh chưa thể đến trường, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai việc dạy học trực tuyến ở khối lớp 6 -12 đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo hoàn thành chương trình năm học mới. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy kỹ năng tự học cho học sinh.

 Linh hoạt các hình thức dạy học

Tuy nhiên, việc học trực tuyến hiện nay còn hạn chế do phụ thuộc thiết bị, nguồn điện và đường truyền internet. Nếu thiết bị, đường truyền không ổn định thì việc học bị gián đoạn, học sinh khó tiếp thu được kiến thức dẫn đến không hiệu quả. Em Nguyễn Hà Thanh Nguyên – học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ làm thợ hồ. Do ảnh hưởng dịch nên ba mẹ thất nghiệp, việc lo từng bữa ăn hàng ngày đã khó lấy đâu ra tiền để mua máy tính, điện thoại thông minh cho con học online. Không còn cách nào khác, em phải tự lấy sách vở ra học ở nhà, những bài nào không hiểu em hỏi chị của mình. Cô Nguyễn Thị Bích Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: “Hiện toàn trường có 23 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến và 97 học sinh chưa tham gia học trực tuyến do không liên lạc được. Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà không có điều kiện để mua sắm thiết bị, không có wifi, 4G và nhiều em đang ở trong khu vực phong tỏa, cách ly nên không thể tiếp cận được phương thức học trực tuyến. Để các em tiếp cận được kiến thức, nhà trường xây dựng clip đưa các bài giảng lên trang web của trường để khi các em có điều kiện xem lại lúc nào cũng được. Đồng thời, khi dịch bệnh được kiểm soát học sinh trở lại trường học trực tiếp nhà trường sẽ tổ chức dạy phụ đạo lại kiến thức cho các em thêm. Lo nhất là học sinh khối 6 vì đây là năm đầu tiên các em học chương trình mới nên sẽ còn nhiều lúng túng”.

Học sinh THCS học online.

Với phương châm “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, nhiều trường học đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt, lập danh sách những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập, giúp các em có thể tham gia học trực tuyến hiệu quả… Thông qua các hình thức như ghép nhóm nhỏ với những học sinh có thiết bị học trực tuyến hay quay clip, gửi bài giảng đến tận nhà cho các em học tập… Em Trần Như Thuận, lớp 7 và em Nguyễn Minh Vạn, lớp 9 Trường THCS Sông Bình (huyện Bắc Bình) rất lo lắng khi gia đình quá khó khăn, không có tiền mua trang bị thiết bị để em học trực tuyến. Tuy nhiên nhà trường đã sắp xếp các em học nhóm với bạn có thiết bị nên mỗi ngày trước giờ học các em tranh thủ đến nhà bạn sớm 10 phút ổn định chỗ ngồi để học tập. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến các trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp, tập trung kiến thức trọng tâm, tạo không khí lớp học thoải mái để tiết học online hiệu quả hơn. Đồng thời, mỗi tiết học đều dành thời gian để giáo viên trao đổi, giải đáp tất cả các câu hỏi mà học sinh chưa hiểu.

Có thể thấy rằng, việc dạy học trực tuyến đối với học sinh THCS, THPT hiện nay là giải pháp tối ưu khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh sự linh hoạt của các trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các em được học tập thì rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, xã hội hỗ trợ điều kiện để những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận phương thức học online như bao bạn bè cùng trang lứa. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt điều chỉnh thời gian nhập học phù hợp đối với các cấp học. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên học sinh chưa thể đến trường để học trực tiếp, ngành giáo dục đã triển khai kế hoạch dạy và học bằng hình thức trực tuyến đối với lớp 6 - 12 để ứng phó với tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành chương trình năm học mới 2021 - 2022.

Thanh Thủy