Du lịch “gồng mình” qua đại dịch

Đời sống - Ngày đăng : 09:54, 11/10/2021

BT- Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp khiến các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch phải dừng đột xuất, dù đã chuẩn bị chu đáo. Trong đó, ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận gánh chịu nhiều thiệt hại nhất, bởi phần lớn cơ sở kinh doanh lưu trú phải đóng cửa suốt thời gian qua để thực hiện phòng chống dịch bệnh. Thế nên tính chung 3 quý đầu năm nay, toàn tỉnh ghi nhận đón 1.751.300 lượt khách, nếu so chỉ tiêu cả năm là 4.752.000 lượt thì mới đạt tỷ lệ 36,8%. Đối với doanh thu, cùng thời gian hoạt động du lịch đem về chưa đến 4.000 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đề ra cho cả năm là 12.600 tỷ đồng và hiện chỉ đạt gần 32%.
Du khách đến với biển Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh tư liệu: N.Lân

Trước tình hình chung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo lĩnh vực ngành quản lý. Như kịp thời thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở du lịch nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm túc nội dung này. Thời gian qua, ngành còn phối hợp Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và đơn vị liên quan tổ chức hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh. Tiếp đó khẩn trương tổng hợp số lượng lao động hoạt động trên lĩnh vực du lịch, đề nghị cấp thẩm quyền ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hàng ngàn người. Sau khi tiếp nhận, tổng hợp, xác nhận hồ sơ hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch, ngành đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 2 đợt đầu tiên, giúp nhiều trường hợp được thụ hưởng chính sách…

Giới chuyên ngành nhận định, tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4 trong nước kéo dài nhiều tháng làm “sức đề kháng” của hầu hết doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ thêm suy yếu. Riêng tại Bình Thuận, trung tâm du lịch của tỉnh là Phan Thiết đã trải qua đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với địa bàn toàn thành phố, hiện còn tái áp dụng cho phía nam sông Cà Ty… Và dù du lịch địa phương cũng đang tính đến thí điểm mở cửa trở lại vào những tháng cuối năm, nhưng các giải pháp khi được triển khai đều thực hiện một cách thận trọng, nên trước mắt không thể đón lượng khách tăng đột biến. Do vậy mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho quý IV/2021 đã dự báo lĩnh vực du lịch không đạt các chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể ước đến cuối năm nay, toàn tỉnh ước đón khoảng 2.100.000 lượt khách, chỉ đạt 42% kế hoạch và giảm 35% so cùng kỳ năm ngoái (khách quốc tế có 30.000 lượt, đạt 12,1% kế hoạch và giảm 83% so cùng kỳ). Với chỉ tiêu về doanh thu từ hoạt động du lịch, cả năm ước thực hiện 6.200 tỷ đồng, đạt chưa tới 50% kế hoạch và giảm 34% so năm 2020…

“Gồng mình” qua năm đại dịch, du lịch Bình Thuận mong đợi những tín hiệu khởi sắc ở phía trước khi tình hình dịch Covid-19 trên cả nước dần được kiểm soát. Cùng với đó là sẵn sàng các giải pháp phục hồi hoạt động, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và kích cầu du lịch cho điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng” trong trạng thái bình thường mới… Ngành du lịch cũng hướng đến năm 2022 khi vừa đề ra chỉ tiêu: Đón lượng khách đạt 3.200.000 lượt (trong đó khách quốc tế có 50.000 lượt), phấn đấu đạt tổng doanh thu khoảng 8.500 tỷ đồng… 

 QUỐC TÍN