Cây trôm - hướng đi cho vùng khô hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 09:21, 26/07/2016

Nhiều công dụng

BT- Cây trôm được biết đến từ lâu như là một vị thuốc quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Mủ trôm ngoài tác dụng làm nước giải khát, còn có khả năng thanh nhiệt, mát gan, giải độc tố, chống táo bón, lợi tiểu, thải trừ được các độc tố trong cơ thể nên có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ ngăn ngừa nhiều loại bệnh.

Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu ứng dụng kết hợp tinh chất từ cây trôm với một số dược thảo để sản xuất ra một số loại mỹ phẩm làm đẹp. Vì trong thành phần của tinh chất cây trôm có rất nhiều những khoáng chất & vi lượng rất tốt như: Mg, Ka, Zn, Na, hỗ trợ đắc lực cho làn da trong quá trình ngăn ngừa chống lão hóa. Mặc khác, tinh chất của cây trôm còn có tác dụng cực kỳ hiệu quả, làm sạch bã nhờn, giúp mau lành vết thương và liền sẹo nhanh, dùng để chữa trị các loại da nhờn và có mụn. Bên cạnh đó còn chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào thoát khỏi sự tấn công của các gốc tự do của một số chất độc. Đặc biệt với độ nhớt cao, tinh chất cây trôm có tác dụng giữ ẩm, giúp da đàn hồi, làm se khít lỗ chân lông, làm săn chắc da, ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn da, mụn, nám, tàn nhang, đồi mồi, cho làn da tươi sáng và khỏe mạnh mịn màng. Tinh chất cây trôm hiện nay đã trở thành một trong những nguyên liệu làm đẹp và thực phẩm chức năng tuyệt vời.

Cùng với công dụng chữa bệnh và làm đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng,  trôm còn là loại cây có quy trình kỹ thuật trồng và khai thác dễ dàng, rất phù hợp trên vùng đất đồi, núi, đất khô hạn, chi phí đầu tư ban đầu rất thấp, chỉ bằng 30% so với các loại cây khác. Nếu phát triển trên diện tích rộng, trôm còn có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ngoài giá trị lấy mủ, trôm còn là loại cây thân gỗ to, khoảng 20 năm thì cho khai thác, gỗ không bị mối mọt…

 Hướng đi cho vùng khô hạn

Hiện nay, trên địa bàn Bình Thuận có trên 500 ha, trong đó trồng tập trung tại huyện Tuy Phong trên 400 ha (chiếm 80% toàn tỉnh). Mặc dù cây trôm hiện nay đang trở thành cây có giá trị kinh tế cao nhưng việc tổ chức sản xuất còn gặp nhiều khó khăn như: trồng và phát triển cây trôm chủ yếu là tự phát, chưa có quy trình kỹ thuật khai thác cụ thể, vì lợi nhuận trước mắt mà một số nông dân khai thác mủ chưa thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật như khai thác mủ ở tuổi cây còn nhỏ và khai thác nhiều lần trong năm làm cho cây bị suy kiệt và năng suất mủ giảm; sản phẩm chế biến từ mủ trôm chưa phong phú, chưa đa dạng; chưa có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá cho mủ trôm Tuy Phong, Bình Thuận, mủ trôm chưa có thương hiệu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà vườn và người thu mua, giá cả đầu ra không ổn định…

Với lợi thế của cây trôm trên vùng đất khô hạn Tuy Phong, trong những năm tới cần tập trung chỉ đạo, khuyến khích mở rộng diện tích lên 1.000 ha  (vào năm 2020) nhằm tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái bền vững; nâng cao năng suất mủ trôm từ 800kg/ha/năm lên 1.200kg/ha/năm, đạt sản lượng 540 tấn/năm.

Để đạt mục tiêu trên cần nghiên cứu, quy hoạch phát triển vùng cây trôm theo hướng phát triển bền vững, vùng sản xuất tập trung gắn với việc đầu tư chế biến. Các nhà khoa học cần tiến hành khảo nghiệm về xuất xứ giống trôm ở địa bàn để chọn lọc ra ít nhất 2 hoặc 3 giống có triển vọng đáp ứng nhu cầu phát triển cây trôm. Trước mắt khuyến khích nông dân tuyển chọn giống tốt, năng suất cao để đưa vào sản xuất.

Để chủ động trong hỗ trợ sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cần chú ý xây dựng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và chế biến; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân vùng sản xuất trôm, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để phát triển cây trôm ổn định, bền vững. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường mủ trôm, trong đó vừa chú trọng xuất khẩu vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn, có tiềm năng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu phục vụ xuất khẩu.

Vần đề cũng không kém phần quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, khuyến nông, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển cây trôm. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông cho các vùng sản xuất tập trung cây trôm. Thông tin đầy đủ kịp thời các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Làm được những vấn đề trên sẽ giúp cho người trồng trôm, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mủ trôm an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh và trong tương lai Tuy Phong sẽ  trở thành “thủ phủ” của cây trôm.

THẾ NAM