Vụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản kiểm nghiệm khống: Người nuôi trồng thủy sản mất phương hướng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:23, 04/08/2016

BT- Trước thông tin có hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản - (NTTS) (gồm 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS) của 72 doanh nghiệp không được khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nhưng vẫn có trong danh sách các sản phẩm được lưu hành trên thị trường, đã làm nhiều hộ NTTS trên địa bàn tỉnh tỏ ra bất bình và lo lắng.
                
      
   Người nuôi tôm lo lắng khi    Tổng cục Thủy sản chưa công bố danh sách 800 sản phẩm kiểm nghiệm    khống.

Người nuôi bức xúc

Những ngày qua, khi báo chí liên tục thông tin đến vụ việc hàng trăm sản phẩm NTTS chưa kiểm định nhưng lại được “hợp quy” xuất bán rộng rãi ngoài thị trường, những người nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong liền đặt nghi vấn: Phải chăng thời gian gần đây tôm chết hàng loạt hoặc chậm lớn là do sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng? Ông Thanh Vinh (xã Vĩnh Hảo) không khỏi lo lắng: “Thuốc thú y thủy sản là thứ không thể thiếu đối với hộ NTTS, nhất là với các hộ nuôi tôm. Các giai đoạn nuôi từ xử lý nước, diệt tạp trong nước, các loại khoáng chất bổ sung vào thức ăn cho tôm đều được người nuôi sử dụng xuyên suốt quá trình nuôi. Bây giờ nghe tin này, không biết những sản phẩm mình dùng trong những năm qua có chất lượng không, hay lại được phù phép để lưu hành?”. Còn ông Hồ Kỳ Hùng (xã Vĩnh Tân) vừa bán thức ăn thủy sản, vừa nuôi tôm cho biết: “Cửa hàng chúng tôi chủ yếu bán những sản phẩm NTTS của Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty TNHH Sitto Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản cho nhân viên tiếp thị xuống tận đìa để chào mời. Hầu hết đều cho rằng sản phẩm được kiểm định, cấp phép lưu hành đàng hoàng. Bây giờ, vụ việc của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS vỡ lở, chúng tôi hết sức lo lắng. Mấy vụ nuôi tôm thẻ chân trắng gần đây, hầu như rất ít hộ nuôi đạt, không biết có phải nguyên nhân do thuốc thú y thủy sản không đảm bảo chất lượng?”.

Có thể thấy trong lúc hơn 800 sản phẩm liên quan đến NTTS bị kiểm nghiệm khống chưa được thông tin rõ ràng, thì nông dân là người chịu thiệt hại trực tiếp. Ngay cả trong kết quả xác minh của Tổng cục Thủy sản cũng nêu rõ, hành vi vi phạm có thể gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến người NTTS nếu họ mua phải sản phẩm được lưu hành trái pháp luật. Từ đó làm cho người dân mất lòng tin vào cơ quan quản lý nhà nước.

 Chờ công bố sản phẩm 

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có các vùng nuôi trồng thủy sản: Tuy Phong, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh… với các đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm, cá, ốc… Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thú y thủy sản. Vì giá trị đầu tư NTTS lớn nên nông dân rất thận trọng trong việc sử dụng các sản phẩm này. Họ thường sử dụng các sản phẩm nằm trong danh mục được phép lưu hành. Tuy nhiên, danh sách hơn 800 sản phẩm kiểm nghiệm khống chưa được công bố đã khiến nhiều nông dân thật sự hoang mang, không biết nên dùng tiếp hay dừng những sản phẩm mà mình dùng bấy lâu. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đang chờ văn bản chính thức của Tổng cục Thủy sản để có khuyến cáo cụ thể đối với người nuôi.

Đến thời điểm này, Tổng cục Thủy sản chỉ mới công bố danh sách 72 doanh nghiệp. Chính vì thế, người NTTS trên địa bàn tỉnh đang mong muốn Tổng cục Thủy sản sớm công bố 800 sản phẩm kiểm nghiệm khống để người dân tránh sử dụng. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn vụ việc này phải được xử lý thật nghiêm để lấy lại niềm tin đối với cơ quan quản lý nhà nước.

    
    Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT   khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về việc làm giả công văn,   cấp giấy chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại   Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS (thuộc Tổng cục Thủy   sản). Đồng thời công bố công khai các sản phẩm không đảm bảo chất lượng,   và có biện pháp xử lý, kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy   định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8.

M.Vân