Nhớ tháng mười tuổi thơ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 11:37, 15/10/2021
Tôi nhớ tháng mười vì một thời đã từng gặt lúa, bắt cá, bắt cua, làm tất cả những công việc như thế này trong suốt nhiều năm ở thời niên thiếu và tuổi thanh xuân. Nhớ kỹ lại phải đến năm tôi 20 tuổi, đi ra phố học đại học thì lúc ấy quê tôi mới chuyển đổi cây trồng từ ruộng lúa sang thanh long. Làm sao mà tôi có thể quên được những lúc vụ mùa bội thu khi mình là một nông dân thực thụ và là lao động chính cùng với ba mẹ trong một gia đình đông anh em ở những năm tám mươi của thế kỷ trước. Tay liềm, tay hái gặt xong, quay lại bó, rồi gánh lúa về nhà trong đêm trăng, xếp lúa vòng tròn trước sân là việc làm của những người lớn. Trẻ em có nhiệm vụ điều khiển hai, ba đôi bò đạp lúa. Lúc ấy quê tôi chưa có máy tuốt lúa. Đạp lúa vào những đêm sáng trăng rất vui. Nếu vào những ngày đầu tháng thì phải thắp đèn dầu, loại đèn măng sông tuy tốn nhiều dầu lửa, nhưng rất sáng và khó tắt ngoài trời gió để lấy ánh sáng mà điều khiển bò đạp lúa và gãy rơm. Vụ lúa tháng mười khô ráo, thường không bị mưa như vụ chiêm tháng năm, tháng sáu.
Ảnh minh họa.
Ruộng gặt lúa xong để khô cho đất nghỉ ngơi một thời gian ngắn, sau đó cày ải xới đất lên phơi dưới nắng khoảng một tháng; nước trong đất bốc hơi, đất khô. Bây giờ, nếu thấy ai mà làm việc liên tục nhọc nhằn cả ngày người ta hay dùng chữ “cày ải”. Nhưng phải thực sự làm nông mới thấu hiểu thế nào là cày ải! Phân chuồng chuẩn bị sẵn cho vụ màu được đổ thành từng đống nhỏ khắp mặt ruộng. Khi đất khô ải, ta cho nước đi đến đâu thì đất sẽ bủn ra đến đấy. Chỉ vài đường bừa là đất nhuyễn cùng phân chuồng dễ dàng bắt nước vào. Những luống đất được đánh tơi xốp thành từng hàng thẳng tắp, một vụ dưa leo, bí đỏ hoặc đậu phộng sẽ giúp cho người dân thu hoạch sau Tết Nguyên đán.
Bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi bỗng thoáng lướt qua tuổi thơ của mình trên cánh đồng vàng ươm tháng mười mùa lúa chín. Nhớ con cua đực đen ngòm càng to, càng nhỏ chậm chạp trốn vào gốc rạ, nhưng không thể thoát thân bởi đôi mắt tinh ranh của lũ trẻ; nhớ những con cá rô, cá lóc vẫy vùng trên vũng cạn, nhưng có cẩn thận đến mấy lũ trẻ chúng tôi cũng bị trầy xước tay rớm máu khi bắt chúng. Mặt mũi lũ trẻ chúng tôi lấm lem bùn đất, tâm hồn sáng trong mơ về một bữa cơm canh cua, canh cá đồng thơm lựng, ngọt lịm ngon lành mà rạng ngời trong từng ánh mắt. Nhớ lại quãng thời gian ấu thơ của chính mình, tôi lại thấy lòng nao nao một nỗi buồn xa xăm. Thấy thương những đứa trẻ nhà quê nghèo thời khốn khó. Và rồi tôi lại liên tưởng đến tuổi trẻ ngày nay, dân thành phố xa rời đồng ruộng thì không nói làm gì, nhưng lớp trẻ hiện tại đang sống ở quê, nơi mà lứa tuổi tôi và ba mẹ chúng một thời trẻ thơ nghèo khổ, thì bọn chúng cũng rất khó có thể hình dung được một thời người nông dân đã cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, thu hoạch vụ mùa như thế nào. Bọn trẻ bây giờ có muốn như thời chúng tôi thì cũng khó có được bởi vì, chúng phải học chính khóa ở trường, học thêm ở nhà thầy cô thì thời gian đâu mà dầm mưa dãi nắng giữa ruộng đồng. Hơn nữa, hôm nay cánh đồng ruộng lúa tháng mười thời ấu thơ của chúng tôi đã không còn nữa, đất ruộng đã nhường chỗ cho bạt ngàn thanh long và những con đường, ngôi nhà bê tông mọc lên khắp xóm làng. Đất nước phát triển, tuổi thơ của chúng tôi một thời đã lùi xa dần vào dĩ vãng.
Đỗ Văn Cường