Nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm mùa online

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 11:42, 15/10/2021

BT- Giáo viên chủ nhiệm, người gánh trên vai “trăm thứ bà rằn” mà bất cứ một giáo viên nào cũng biết, cũng hiểu. Chả thế mà không ít thầy cô giáo dù rất thích công việc chủ nhiệm để có nhiều kỷ niệm gắn kết với học sinh, nhưng khi không được giao công tác chủ nhiệm cũng đã không giấu nỗi sự vui mừng vì như trút đi được gánh nặng âu lo. Giáo viên chủ nhiệm bình thường đã khổ, giáo viên chủ nhiệm thời online lại càng vất vả trăm bề vì biết bao công việc bủa vây trong khi lại không gặp gỡ được học sinh và phụ huynh để chia sẻ.

Nỗ lực kết nối với học sinh và phụ huynh

Đừng tưởng học sinh không đến trường là giáo viên chủ nhiệm sẽ khỏe. Trước khi các trường tổ chức dạy được online thì trước đó, giáo viên chủ nhiệm đã vất vả đến thế nào mong kết nối với phụ huynh trong việc hợp tác để mở lớp. Không phải giáo viên cứ lập nhóm zalo, messenger, email là có thể liên hệ được với phụ huynh. Không ít phụ huynh dù có đọc tin nhắn của thầy cô giáo nhưng vẫn không tương tác. Thế rồi, giáo viên phải gọi điện từng người. Có người liên lạc hết lần này đến lần khác còn không gặp được. Nhiều thầy cô giáo còn phải tận tình hướng dẫn việc tải phần mềm, cách đăng nhập vào lớp học… Sĩ số lớp học bao nhiêu thầy cô giáo buộc phải liên hệ hết bấy nhiêu phụ huynh. Nếu em nào không thể tham gia học trực tiếp, giáo viên chủ nhiệm phải tìm mọi cách gửi bài đến cho các em.

Mỗi buổi học, giáo viên bộ môn sẽ điểm danh học sinh, sẽ phản ánh thái độ hợp tác trong việc học của lớp vào sổ nhận xét của trường. Nhiệm vụ của thầy cô chủ nhiệm phải liên hệ gấp với học sinh và phụ huynh để tìm hiểu lý do và động viên, nhắc nhở học sinh mỗi ngày. Sau mỗi tuần học, nếu lớp không được nhận xét tốt từ nhiều thầy cô giáo dạy thì giáo viên chủ nhiệm đôi khi cũng sẽ bị ban giám hiệu nhắc nhở vì chưa thật sự nỗ lực trong công tác chủ nhiệm. 

Vận động các khoản thu

Nếu như bình thường, trong buổi họp phụ huynh đầu năm thì giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo các khoản thu gồm các khoản bắt buộc và tự nguyện. Những khoản bắt buộc như bảo hiểm, học phí, văn phòng phẩm, học tiếng Anh tăng cường, học kỹ năng sống (nếu học sinh tham gia)… và các khoản ủng hộ tự nguyện như hội phí, vệ sinh hoặc tiền một số dịch vụ như tin nhắn điện tử…

Thường thì ngay trong buổi họp đầu năm, phụ huynh các lớp đã đóng và ủng hộ tiền gần hết. Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ vì muốn cho thầy cô chủ nhiệm an tâm để chăm lo cho các em nên sẵn sàng đóng góp thật nhanh. Vì thế, nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng bớt vất vả trong vận động và thu tiền. Thế nhưng, học online giáo viên không gặp được phụ huynh đã là một bất lợi cho công tác nộp tiền và đóng góp. Nói tới chuyện tiền bạc dù là khoản tiền ủng hộ hay tiền phải đóng mà nói trực tiếp còn khó chứ nói gì đến nhắn tin hay gọi điện. Đặc biệt trong giai đoạn này, phần đông các gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế nên chẳng thầy cô giáo nào cảm thấy thoải mái khi đụng đến chữ tiền. Phụ huynh cảm thông còn đỡ, có những phụ huynh gia đình đang lâm vào tình cảnh khốn khó, nay nghe đến tiền trường đã cáu giận cả giáo viên. 

Báo cáo liên tục

Vài ba ngày một cái báo cáo, muốn báo cáo thì giáo viên phải điều tra lý lịch học sinh. Thay vì trước đây, chỉ cần dặn dò học sinh hoặc phát giấy về là ngày mai đã có ngay kết quả cần biết. Nhưng thời online, thầy cô phải gọi điện đến từng phụ huynh để hỏi. Nào là hỏi xem hoàn cảnh gia đình, có sổ hộ nghèo, cận nghèo không? Học sinh có thuộc diện mồ côi hay không? Rồi em nào có điện thoại, ti vi, vi tính để có thể học online hay không? Ngoài ra, giáo viên liên tục phải điều tra để thống kê em nào thuộc diện F0, F1? Tình hình sức khỏe thế nào?

Hiện nhiều trường và nhiều giáo viên không chủ nhiệm vẫn đang nghiễm nhiên mặc định tất cả mọi chuyện liên quan đến học sinh đều thuộc trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Bởi thế, trong những cuốn sổ đầu bài, sau mỗi tiết dạy, giáo viên bộ môn đều ghi những tồn tại trong tiết học vào đó và quy trách nhiệm về cho thầy cô giáo chủ nhiệm. Ví như học sinh không thuộc bài, nói chuyện, không tập trung, nói leo, đánh nhau trong giờ học… nếu tiết học bị phê bình nhiều thì giờ học đó, giáo viên sẽ cho điểm thấp.

Giáo viên bộ môn vẫn luôn cho rằng giờ dạy của mình không tốt là do giáo viên chủ nhiệm quản lớp chưa tốt. Nếu lớp nào bị nhiều giờ học kém thì giáo viên chủ nhiệm cũng “ăn đủ” vì liên quan đến việc xếp loại thi đua hàng tuần, đặc biệt là cuối năm. Trong thực tế, có thể giờ giảng của thầy cô không đủ hấp dẫn học sinh, có thể thái độ của giáo viên trong giờ dạy đã làm một số em bất mãn nên sinh ra chống đối, có thể đó là những học sinh cá biệt mà ngay giáo viên chủ nhiệm cũng đã và đang nỗ lực từng ngày… giáo dục và quản lý học sinh luôn là trách nhiệm của tất cả thầy cô chứ không riêng gì giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm ở các bậc học, hiện đang chịu áp lực khá lớn từ nhà trường và phụ huynh. Thấu hiểu để sẻ chia cũng là góp phần giúp các thầy cô giáo thực hiện tốt công việc giáo dục học sinh của mình.                    

 Phan Tuyết