Hai bức tranh trái ngược khi chuyển đổi từ Zero Covid-19 sang sống chung với Covid-19
Quốc tế - Ngày đăng : 14:02, 15/10/2021
Trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số nước như Singapore và New Zealand đã thay đổi chiến lược “Zero Covid-19” (đưa số ca mắc Covid-19 về 0), trong khi nhiều nước khác như Philippines vẫn đang phải vật lộn ngăn chặn virus và tránh cho hệ thống y tế và nền kinh tế bị quá tải.
Các nước cần phải hiểu rõ lý do vì sao Zero Covid-19 không còn khả thi và cần có những giải pháp thực tiễn khác để “sống chung với Covid-19” và đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”.
Philippines đang chịu sức ép chuyển hướng chiến lược sang sống chung với Covid-19 để tránh những tác động đối với nền kinh tế. Ảnh: AFP
Chuyển hướng sang “Sống chung với Covid-19”
Cách đây không lâu, Singapore vẫn áp dụng chiến lược Zero Covid-19 bằng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và truy vết tiếp xúc.
Hiện, Sinagpore bắt đầu chuyển sang chiến lược “sống chung với Covid-19” sau khi đạt được những thành công nhất định trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.
Tính đến tháng 9 vừa qua, Singapore đã tiêm chủng cho hơn 80% dân số và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 90%.
Bắt đầu từ tháng 9, Singapore đã lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế để tạo đà phục hồi nền kinh tế, cho phép người dân ăn tối tại các nhà hàng, những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể tụ tập nhóm 5 người. Nước này cũng nới lỏng quy định làm việc tại nhà, cho phép du lịch không cách ly đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Thách thức trong sự thay đổi chiến lược ở Singapore là thuyết phục người dân. Năm 2020, Singapore đặt mục tiêu là “làm phẳng đường cong dịch Covid-19” - khái niệm mà một số nước áp dụng để đưa số ca Covid-19 tiệm cận 0. Ở những nước đặt mục tiêu như vậy, công chúng thường coi thông tin về số ca mắc là thước đo hiệu quả các biện pháp chống dịch.
Singapore phải tìm cách thuyết phục người dân rằng trọng tâm mới sẽ là việc giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 bởi vaccine chỉ có thể giảm đáng kể các nguy cơ chứ không thể đảm bảo đưa số ca mắc Covid-19 về 0.
Bộ trưởng Tài chính (phụ trách ứng phó Covid-19) của Singapore đầu tháng 10 cho biết, ở một thời điểm nào đó, có thể có tới 98% dân số mắc Covid-19 nhưng ông cũng trấn an người dân rằng, sẽ chỉ khoảng 2% bị các triệu chứng nặng và cần phải nhập viện.
Cần cân nhắc lại về miễn dịch cộng đồng
Các bằng chứng mới về chiến dịch tiêm chủng khá thuyết phục. Một nghiên cứu trên 112 hạt tại Mỹ (với tổng dân số khoảng 147 triệu người) cho thấy, nếu tỷ lệ tiêm chủng tăng thêm 10 điểm phần trăm, thì sẽ tỷ lệ mắc Covid-19 sẽ giảm 28% và tỷ lệ nhập viện giảm tới 44%.
Các thử nghiệm lâm sàng đối với nhiều loại vaccine cũng cho thấy hiệu quả mạnh mẽ, từ 67% tới 96%. Tuy nhiên, điều kiện thực tế sẽ có các yếu tố tác động khác như các biến thể mới.
Theo một nghiên cứu về tỷ lệ tiêm chủng, sử dụng dữ liệu ở 32 nước châu Âu trong đó có Israel, vaccine có tỷ lệ ngăn ngừa tử vong do Covid-19 tới 72%.
Dù vậy, đối với những nước có chiến dịch tiêm chủng được đánh giá là thành công như Singapore, vẫn có những rủi ro.
Các bằng chứng khoa học mới đây cho thấy, miễn dịch cộng đồng có thể cần phải cân nhắc lại vì nhiều lý do như tiêm chủng không đồng đều ở tất cả các nước, tính nhất thời của miễn dịch (có thể cần phải tiêm mũi tăng cường) và quan trọng hơn cả là sự xuất hiện các biến thể mới, trong đó có cả biến thể có khả năng lẩn tránh các loại vaccine hiện có.
Bức tranh ở Philippines lại trái ngược với Singapore. Tính đến tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng của Philippines mới chỉ khoảng 20% (trong khi ở Singapore là hơn 80%). Điều này một phần do sự chậm trễ trong cung ứng vaccine và một phần do tâm lý do dự của người dân.
Philippines đã áp dụng ít nhất 4 lần phong tỏa cứng trong suốt đại dịch và là 1 trong 5 nước vẫn đóng cửa các trường học trong hơn 1 năm qua. Kết quả là Philippines đứng cuối bảng về các biện pháp bền vững ứng phó đại dịch, đứng thứ 53 trong số 53 nước theo xếp hạng của Bloomberg và thứ 121 trong số 121 nước theo xếp hạng của Nikkei Asia.
Oxford Economics cũng xếp Philippines đứng cuối bảng ở châu Á xét về khía cạnh tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Điều này cho thấy giai đoạn phục hồi ở Philippines sẽ kéo dài.
Philippines cũng không có nhiều lựa chọn ngoài việc mở cửa để khôi phục nền kinh tế đang giảm sút. Từ một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trước đại dịch, Philippines giờ lại là một trong những nước bị suy giảm kinh tế tồi tệ nhất trong năm 2020. Chính phủ nước này dự báo sẽ mất ít nhất 1 thập kỷ để khôi phục nên kinh tế khỏi những tác động của đại dịch.
Nền kinh tế sống chung với Covid-19
Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Singapore đang phải đối mặt với lợi ích [kinh tế] ngày càng giảm do các hạn chế về đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Khi người ta đẩy số ca bệnh tiệm cận 0, chi phí kinh tế do những hạn chế sẽ ngày càng lớn.
Ở trạng thái “bình thường mới”, các nhà hoạch định chính sách sẽ nhấn mạnh vào theo dõi tỷ lệ nhập viện và tử vong. Tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn cần được theo dõi, nhưng điều quan trọng là phải trấn an công chúng rằng hầu hết các ca mắc có thể phục hồi nhanh chóng do đã tiêm chủng.
Dù bức tranh trái ngược với Singapore, nhưng nhiều nước như Philippines cũng cân nhắc về chiến lược sống chung với Covid-19 khi cái giá phải trả về kinh tế ngày càng nặng nề do các đợt đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng... Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng thấp, việc đánh đổi có thể rất tàn khốc về mặt sinh mạng.
Tiêm chủng nhanh và toàn diện vẫn là chìa khóa để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những nước đi sau như Philippines cần phải thu hẹp khoảng cách với các quốc gia dẫn đầu về tiêm chủng như Singapore.
Hoàng Phạm/VOV