Vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động trở lại: Vẫn còn vướng mắc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 19/10/2021

BT- Gần 6 tháng qua vận tải hành khách cả nước, trong đó có Bình Thuận bị tê liệt do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mới đây, có chủ trương cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trở lại, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lên kế hoạch để tái hoạt động.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đ.Hòa

Động thái mới nhất là UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương cho chạy thí điểm 2 tuyến xe khách liên tỉnh Tuy Phong - TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Đây là chủ trương chung được Bộ Giao thông Vận tải quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, do thời gian ngưng vận chuyển hành khách khá lâu vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh nghiệp vận tải gặp những khó khăn nhất định khi tái hoạt động trở lại. 

Anh Thạch Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch lữ hành Quốc Tế mấy hôm nay “chạy đôn chạy đáo” lo thủ tục đăng ký tiêm vắc xin cho tài xế, nhân viên phụ xe để chuẩn bị cho kế hoạch vận hành khi có chủ trương cho xe hoạt động trở lại. Anh tâm sự: “Thời gian qua xe ngưng chạy mọi thứ khó khăn phát sinh không lường trước được như lãi ngân hàng, trả lương, bảo hiểm cho tài xế… Tôi mong từng ngày có chủ trương hoạt động vận tải được tháo gỡ để doanh nghiệp có cơ hội trụ lại. Dù đã chuẩn bị khá kỹ nhưng hiện nay nhân viên và kể cả tôi mới tiêm được 1 mũi vắc xin nên đang hy vọng sẽ sớm được tiêm mũi 2 để đáp ứng yêu cầu vận hành xe chạy trong điều kiện bình thường mới”.

Không chỉ anh Tuấn mà nhiều doanh nghiệp cũng đang ngóng chờ từng ngày việc vận tải hành khách được tháo gỡ rộng hơn để có cơ hội kinh doanh trở lại, góp phần phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để bắt đầu hành trình ấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang lo gặp những khó khăn cần được sự giúp đỡ từ các cấp.

Ông Dương Đức Ý – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết, vấn đề phòng chống dịch Covid-19 hầu hết các nhà xe đều chuẩn bị và thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, có những việc doanh nghiệp không tự chủ được và đang gặp khó khăn là yêu cầu tài xế và lao động phục vụ trên xe phải được tiêm 2 mũi vắc xin. Hiện tại trong tỉnh tài xế mới tiêm được 1 mũi, chiếm khoảng 65 – 70%. Còn người phục vụ trên xe chưa được tiêm. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị tỉnh xem xét cho đội ngũ này sớm được tiêm mũi 2 để đảm bảo hoạt động vận tải hành khách. Mặt khác, theo quy định xe khách chỉ được vận chuyển khách 50% số ghế, như vậy nhà xe chạy sẽ không có lãi. Do đó, tỉnh cần kiến nghị và có hỗ trợ cho nhà xe được vận chuyển 70% số ghế hoặc cho nhà xe vận chuyển 100% số ghế và khách lên xe phải test, thực hiện các quy định để đảm bảo phòng chống dịch.

Ở góc độ khác, theo ông Ý, hiện nay tài xế và lao động trên xe vẫn chưa được nhận tiền trong gói hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy để tạo đà cho vận tải hành khách bước vào tái hoạt động trở lại, tỉnh cần tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các trường hợp này nhằm trợ giúp họ quay trở lại với ngành.

Trần Thi