Nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 21/10/2021

BT- Bình Thuận là 1 trong 5 tỉnh được hưởng lợi từ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ”. Dự án được khởi động từ giữa tháng 10/2021 và sẽ kéo dài đến tháng 6/2026 tại 2 huyện Hàm Thuận Nam, Đức Linh.

Khởi động dự án

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ” (SACCR – GCF2), do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UBNP). Theo đó, 5 tỉnh được hưởng lợi từ dự án, gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Dự án SACCR – GCF2 được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Bình Thuận từ tháng 4/2021, thuộc dự án nhóm C, do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. 2 huyện được hưởng lợi từ dự án là Hàm Thuận Nam và Đức Linh. Mục tiêu cụ thể là trao quyền cho các nông hộ nhỏ dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua đảm bảo nguồn nước, áp dụng các thực hành nông nghiệp mang tính chống chịu khí hậu. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường. Mặt khác, thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự điều phối giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất chủ động dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu.

Nông dân Bình Thuận sản xuất hoa màu.

 Tăng cường an ninh nguồn nước

Quy mô đầu tư dự án bao gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là tăng cường an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của nông hộ quy mô nhỏ dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến động về lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu. Cụ thể, dự án sẽ kết nối nước từ hệ thống kênh, đường ống được nâng cấp và làm mới trong dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (ADB8) đến mặt ruộng. Hỗ trợ nâng cấp hoặc xây dựng mới các ao hồ nhỏ trữ nước ở quy mô nông hộ hoặc 1 nhóm nông hộ nhỏ đối với các hộ sống ở ngoài phạm vi vùng dự án ADB8. Cung cấp, hỗ trợ để tiếp cận công nghệ tưới tiên tiến hiệu quả cao cho các nông hộ nhỏ và tập huấn cho họ về quản lý nguồn nước, sinh khối và độ ẩm đất để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Riêng hợp phần 2 là tăng cường khả năng chống chịu cho sinh kế của nông hộ nhỏ thông qua nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu, tài chính và thị trường. Các nông hộ nhỏ sẽ được hỗ trợ kỹ thuật bằng các lớp học đầu bờ dựa trên thực hành nông nghiệp. Hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng tư vấn về thời tiết, khí hậu trong sản xuất nông nghiệp cho các đối tượng của dự án.

Ban Quản lý dự án SACCR - Bình Thuận cho biết, khó khăn hiện nay là nguồn vốn chưa được phân bổ về cho tỉnh để triển khai thực hiện. Do đó, UBND tỉnh đang trình bổ sung lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tháng 11/2021 sẽ được duyệt. Ngoài ra, các hoạt động hướng dẫn thực hiện dự án, công tác đấu thầu, triển khai tập huấn vẫn chưa thực hiên được do tình hình dịch Covid-19… sẽ được thúc đẩy triển khai trong thời gian tới.

Tại Bình Thuận, tổng mức đầu tư dự án là 2.129.588 USD, tương đương 49,609 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ không hoàn lại là 1.862.328 USD, tương đương 43,383 tỷ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 267.260 USD, tương đương 6,226 tỷ đồng.

Kiều Hằng