Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Chính trị - Ngày đăng : 19:51, 21/10/2021

BTO- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, chiều nay (21/10), tại điểm cầu Bình Thuận, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đồng chí Dương Văn An chủ trì tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh chiều nay (21/10).

Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh đã phân tích những hạn chế, bất cập qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đồng thời thống nhất việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Góp ý cụ thể vào dự án luật, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh đề nghị ban soạn thảo giải thích, bổ sung 1 số từ, cụm từ cho phù hợp ví dụ như cụm từ “hàng đặc biệt”.

Tại Điều 28 quy định “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để Cảnh sát cơ động xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.” ĐBQH Nguyễn Hữu Thông kiến nghị bỏ nội dung “thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật”, vì không cần thiết, nội dung này đã được quy định tại Luật nhà ở năm 2014. Đây cũng là kiến nghị của ĐBQH Đặng Hồng Sỹ.

Đối với vấn đề xin ý kiến Quốc hội, tại thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, trong đó về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động cần xác định rõ mô hình tổ chức, các bộ phận cấu thành lực lượng này để thấy rõ được tính đặc thù của Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ đề nghị 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Theo đó, ĐBQH Dương Văn An và Bố Thị Xuân Linh thống nhất chọn phương án 1: Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động…

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ chọn phương án 2 theo hướng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng. Trong đó 4 lực lượng được kế thừa quy định tại điều 8, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013; Bổ sung 2 lực lượng (lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu) hiện nay đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các đề án của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới…

Riêng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ các ĐBQH tỉnh đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra về dự án luật của Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

THU HÀ