Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo: Đối tượng ở Bình Thuận có thể tham gia

Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 20/09/2016

BT- Sở Công Thương Bình Thuận mới đây đã làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhằm trao đổi thông tin về đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đề án này thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, do UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt cách đây chưa lâu (theo Quyết định số 4199, ngày 15/8/2016). Sau đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng ra thông báo về việc đăng ký tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin cơ bản.
                
Người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng    thịt heo sạch.

Theo đó, đối tượng tham gia là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi, cung cấp heo và thịt heo an toàn hoặc cá nhân, tổ chức thu mua, vận chuyển kinh doanh heo, cơ sở giết mổ gia súc… Đồng thời, đối tượng tham gia phải trên cơ sở tự nguyện, được chấp thuận của Ban quản lý đề án và đáp ứng điều kiện năng lực chuyên môn, có chức năng sản xuất - kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực theo yêu cầu. Ngoài ra còn có trách nhiệm đăng ký tham gia với Sở Công Thương (163 đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) để kê khai năng lực chăn nuôi, sản xuất, khả năng cung ứng, phân phối. Qua đó có trách nhiệm cam kết cung ứng đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm…

Được biết, hiện TP. Hồ Chí Minh là địa bàn tiêu thụ thịt heo nhiều nhất cả nước với khoảng 10.000 con/ngày, nhưng hơn 80% phải nhập từ các tỉnh, trong đó có Bình Thuận. Riêng nguồn heo giết mổ được kiểm soát từ 18 cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn chỉ khoảng 7.000 con heo/đêm, số còn lại do các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân và tiếp nhận ở nơi khác cung cấp. Do vậy thịt heo không an toàn đang là vấn đề hết sức lo ngại do việc sử dụng thức ăn tăng trọng, chất cấm trong chăn nuôi, quá trình giết mổ - vận chuyển không đảm bảo vệ sinh… chưa được siết chặt, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Sau khi xem xét chấp thuận, đối tượng tham gia đề án này sẽ được Nhà nước hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn sử dụng giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo hay thịt heo. Đặc biệt được ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào những hệ thống phân phối, bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong chương trình hợp tác thương mại với thành phố. Mặc khác còn được kết nối các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp phục vụ đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối…

Như vậy với đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đối tượng ở Bình Thuận nếu đáp ứng điều kiện, cam kết thực hiện nghĩa vụ hoàn toàn có thể tự nguyện đăng ký tham gia. Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian tiếp nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào giữa tháng 10 tới, bắt đầu xét duyệt và kiểm tra thực tế từ 16/10 - 31/11, sau đó vận hành thử nghiệm từ 1/12/2016 - 28/2/2017 trước khi đưa vào hoạt động chính thức vào ngày 1/3/2017.

    
  

    Đảm bảo an toàn sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng

      Trong bối cảnh hiện nay, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản   phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại được xem là một giải   pháp đảm bảo chất lượng với ngành hàng thịt heo. Thế nên việc sớm triển   khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo có ý nghĩa   hết sức quan trọng, đặt biệt là trong đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền   lợi người tiêu dùng. Bởi với hệ thống quản lý thịt heo ứng dụng công   nghệ thông tin, người tiêu dùng có thể dùng Smartphone (điện thoại thông   minh) để kiểm tra nguồn gốc thịt heo…

Đ.QUỐC