Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 22/10/2021

Thảo luận, góp ý về kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch

BT- Tiếp tục phiên làm việc tại kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV...

Thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19, Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn An thống nhất với đánh giá của Chính phủ, đặc biệt là sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. Chính phủ đánh giá cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn cả nước là phù hợp. Tuy nhiên, Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn An đề nghị bổ sung vào hạn chế: “Vẫn còn tính chủ quan trong phòng chống dịch” bởi do tâm lý thành công trong kiểm soát dịch bệnh các đợt trước nên vẫn còn tồn tại biểu hiện chủ quan. Về hệ thống y tế, cần phải khẳng định còn hạn chế yếu kém, kể cả nhân lực vật lực phương tiện cơ sở vật chất. Thống nhất với biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới, tuy nhiên theo Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn An, biện pháp “cách ly” vẫn còn cứng nhắc, đề nghị nên đổi sang từ “giãn cách”; tăng cường tính chủ động của địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh.

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ qua kiểm tra còn khó khăn vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý là vẫn còn nhiều đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không thuộc diện hỗ trợ. Do đó, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh đề xuất nên bổ sung các đối tượng được hỗ trợ trên lĩnh vực văn hóa xã hội, lao động mất việc làm, giáo dục và đào tạo… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung lao động tự do (nhất là các khu vực thực hiện Chỉ thị số 16); lao động tại các doanh nghiệp không đóng bảo hiểm, các đối tượng cách ly y tế tập trung, lao động tự do các khu vực lưu trú; lao động biển. Đối với các hộ cận nghèo, hộ khó khăn đề nghị có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận. 

Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105 của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh… Các gói cứu trợ cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. Chính phủ cần lập một quỹ bảo đảm cho vay doanh nghiệp, như vậy, điều kiện cho vay có thể được nới lỏng, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp một cách dễ dàng hơn.

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ thống nhất với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên trong chỉ đạo điều hành còn nhiều lúng túng, đáng chú ý là thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi rộng làm đứt gãy chuỗi cung ứng; đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân chậm, hồ sơ đền bù chưa đảm bảo. Chính vì vậy, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ đề nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để phát triển kinh tế, đặc biệt là các công trình trọng điểm như cao tốc, sân bay… Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn ở tỉnh Bình Thuận như đền bù giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch titan. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về mở cửa kinh tế nhưng ở một số nước mở cửa trước đã phải hạn chế do dịch bệnh bùng phát trở lại. Chính vì vậy, đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng chống dịch Covid-19.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn An đề xuất Chính phủ cần quan tâm mở một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo cung thông qua đó kích cầu, góp phần cho cung cầu cân đối hài hòa, từ đó thúc đẩy phát triển. Mặt khác, hiện nay Quốc hội thông qua danh mục đầu tư công trung hạn, đây là điều kiện thuận lợi bởi nếu phân khai giai đoạn đầu thì dòng vốn được đưa vào ngay giai đoạn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần có chỉ đạo sát theo hướng tăng cường giải ngân vốn đầu tư công của giai đoạn đầu và giảm dần ở giai đoạn sau. Ngoài ra, Trưởng đoàn ĐBQH Dương Văn An đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư một số dự án giao thông mang tính chất liên vùng kết nối theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…   

Thu Hà