Bí đỏ hồ lô “bí” giá

Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 15/09/2016

BT - Nhiều hộ dân từ Hàm Tân, Đồng Nai đến các xã Suối Kiết, Gia Huynh (Tánh Linh), thậm chí người địa phương trồng xen bí đỏ hồ lô trong vườn cao su, điều. Tuy nhiên, bí đỏ hiện nay rớt giá thê thảm khiến người trồng lao đao.

Trên đường vào các xã của huyện Tánh Linh như Suối Kiết, Gia Huynh… dễ dàng thấy bí đỏ hồ lô chất đống để trước sân nhà, chờ thương lái mua. Anh Phan Công Bình (thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết) chia sẻ: “Trước đây, trồng xen bắp, mì trong vườn điều, cao su, nhưng thấy nhiều người trúng mùa bí đỏ và bán được giá cao hơn 3.000 đồng/kg. Năm 2016, tôi quyết định đầu tư 100 triệu đồng trồng 5 ha trong đất cao su… để trồng bí đỏ hồ lô, thu hoạch được 30 tấn. Nhưng thương lái mua giá ngày càng thấp dần, từ 1.700 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg. Bán 30 kg bí mới ăn được tô phở, vụ bí này tôi lỗ khoảng 70 triệu đồng”.

         
   

      

      Bí đỏ hồ lô của anh Phan    Công Bình đang chờ thương lái đến thu mua.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức (Suối Kiết) trồng xen bí đỏ trong vườn điều là hình thức lấy ngắn nuôi dài, hợp với điều kiện thời tiết, kinh tế gia đình. Những năm đầu điều chưa cho thu hoạch thì cây bí giúp gia đình có thu nhập. Cách trồng xen này, bí phủ kín mặt đất không cho cỏ mọc và cải thiện chất đất. Các năm trước, đầu tư 1 ha bí đỏ lãi từ 20 – 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng năm nay, giá và sản lượng rất thấp nên người trồng cũng “bí” theo.

Theo ông Trương Văn Đào (trưởng thôn 4, xã Gia Huynh), đa số người trồng bí trong thôn là người nơi khác đến như Hàm Tân, Đồng Nai thuê đất vườn cao su, điều dưới 3 năm tuổi trồng xen canh bí đỏ hồ lô. Với vườn cây 1 năm tuổi, giá thuê khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ. Vườn từ 2 năm tuổi trở lên, giá thuê sẽ thấp hơn, khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, thương lái mua bí năm nay giá rất thấp, có rẫy bí quá xa là thương lái không mua, người trồng phải vận chuyển ra đường lộ. Bên cạnh đó, người trồng không chủ động nguồn nước, chủ yếu dựa vào nước trời, vì thế có hộ trồng không đậu trái.

Một thương lái cho rằng, không riêng gì Tánh Linh, mà nơi khác cũng đang vào mùa thu hoạch, dẫn đến tình trạng “đụng chợ”, giá thấp xuống. Có thể nói, câu chuyện dài “được mùa mất giá”, đầu ra không ổn định gây tổn thất cho người trồng. Ngành nông nghiệp và các ngành liên quan cần có định hướng về trồng trọt và giải pháp đầu ra cho nông dân.

Trang Minh