Mỹ hối thúc Nga nhanh cung cấp khí đốt cho châu Âu thay vì chờ Dòng chảy phương Bắc 2
Quốc tế - Ngày đăng : 10:49, 26/10/2021
Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden về an ninh năng lượng toàn cầu nhận định rằng, cuộc khủng hoảng khí tự nhiên ở châu Âu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu khí đốt mạnh mẽ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết, Nga có đủ khí đốt để tăng doanh thu bây giờ thay vì chờ các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) và Đức hoàn tất sự thông qua cuối cùng với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt qua Biển Baltic trực tiếp tới châu Âu mà không cần đi qua Ba Lan và Ukraine.
Các tàu kéo tập trung xung quanh tàu lắp đặt đường ống Fortuna của Nga ở cảng Wismar tại Đức ngày 14/6/2021. Ảnh: AP
"Họ có thể tăng sản xuất và họ nên làm điều đó. Họ nên làm điều này nhanh chóng và cung cấp khí đốt qua các đường ống hiện tại. Nếu Nga có khí đốt để cung cấp qua Dòng chảy phương Bắc 2 thì họ cũng có khí đốt để cung cấp qua đường ống trung chuyển GTS đi qua Ukraine hoặc các đường ống khác và họ nên làm như vậy", ông Hochstein nhận định với báo giới.
Giá khí tự nhiên ở châu Âu, vốn nhập khẩu 90%, phần lớn đến từ Nga, đã tăng gấp 5 lần so với đầu năm nay. Lượng khí đốt đã cạn kiệt từ mùa đông năm ngoái không được lấp đầy trong những tháng ấm áp đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu để sưởi ấm trong mùa đông.
Tập đoàn Gazprom của Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu theo các hợp đồng dài hạn nhưng không tăng nguồn cung trên thị trường giao ngay, thậm chí cả khi giá khí đốt tăng chóng mặt.
Một số nhà phân tích phương Tây cáo buộc Nga giữ nguồn cung khí đốt để gây sức ép với các nhà chức trách châu Âu nhằm đạt được sự thông qua cuối cùng với Dòng chảy phương Bắc 2, một quy trình có thể mất tới vài tháng. Dù vậy, họ cho rằng đường ống này không thể làm dịu cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu cho tới năm sau.
Ông Hochstein lặp lại cảnh báo hồi tháng 9 rằng việc thiếu khí đốt có thể khiến nhiều người mất mạng tại những cộng đồng dễ tổn thương nếu mùa đông sắp tới lạnh hơn bình thường.
Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 vì cho rằng đường ống này sẽ khiến châu Âu phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Ukraine và Ba Lan cũng có cùng quan điểm do những mối lo ngại về an ninh năng lượng. Ukraine còn lo việc sẽ mất khoản phí trung chuyển nếu khí đốt không đi qua đường ống ở nước này mà đi qua Dòng chảy phương Bắc 2.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định đường ống dẫn khí này là một dự án "thuần túy thương mại".
Kiều Anh/VOV