Tổng kết 12 năm thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 16:01, 10/10/2016

BTO - Sáng 7/10, ông Phạm Văn Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với các thành viên Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, giai đoạn 2011-2020. Hội nghị nhằm tổng kết công tác thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

Qua tổng hợp trên địa bàn tỉnh về công tác chuyển đổi mục đích rừng, từ năm 2004 đến nay có 4.985 ha diện tích rừng đã được chuyển đổi sang các công trình thủy điện, an ninh quốc phòng, đường giao thông, khu tái định cư, dự án chuyển sang mục đích kinh doanh trồng cao su và các công trình khác. Về chuyển mục đích sử dụng rừng, có 39 công trình, dự án sử dụng diện tích đất lâm nghiệp có rừng được UBND tỉnh Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác từ khi Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ có hiệu lực với tổng diện tích là 4.985ha. Số liệu hiện trạng rừng năm 2015 qua kiểm kê (tính đến ngày 31/12/2015) gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 365.689,2 ha, trong đó diện tích đất có rừng 310.841,30 ha (rừng tự nhiên 286.998,77ha và rừng trồng 23.842,53 ha); Diện tích đất chưa có rừng 54.847,87 ha.

         
   

         

            Các sở ngành phát biểu ý kiến.

Qua hơn 12 năm thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, UBND tỉnh và cấp huyện đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai, hướng dẫn thi hành Luật nghiêm túc. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra việc thực hiện Luật được quan tâm, chỉ đạo sâu sát; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã được triển khai bằng nhiều hình thức; công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai quyết liệt; công tác phát triển rừng, sử dụng rừng được tổ chức thực hiện nghiêm túc và từng bước huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia.

Theo các thành viên Ban chỉ đạo, song song những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, hiện tỉnh còn có những khó khăn, vướng mắc như việc phân cấp quản lý rừng ở cấp xã khó thực hiện do cán bộ xã năng lực chưa cao, không có chuyên môn và kinh phí để thực hiện; việc giao rừng, cho thuê rừng, nhất là giao và cho thuê đất lâm nghiệp để phát triển rừng vẫn có trường hợp chủ rừng, chủ dự án không đủ năng lực về tài chính, nhân lực để thực hiện…

         
   

         

            Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam chỉ đạo tại hội nghị.

Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, sở, ngành,  ông Phạm Văn Nam yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái tạo rừng của các chủ rừng; đảm bảo trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế theo kế hoạch đề ra. Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện có kế hoạch kiểm tra định kỳ việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp theo quy định. Trước mắt, trong năm 2016 tổ chức kiểm tra thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gắn với kiểm tra thực hiện phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với cấp huyện và các xã có rừng; xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nào không triển khai và có biện pháp chỉ đạo khắc phục ngay trong năm 2016. Hoàn thiện lại dự án đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2017-2020 theo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách Trung ương hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lấn chiếm trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông…

K.H