Sau hơn 1 tháng ra quân làm vệ sinh vườn thanh long: Diện tích đốm nâu giảm đáng kể
Kinh tế - Ngày đăng : 08:36, 10/10/2016
Hiện đang vào mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho đốm nâu phát triển, nếu không tập trung phòng trừ thì bệnh sẽ bùng phát rất nhanh. Vì vậy, khắp các thôn xóm, bà con trồng thanh long đều đồng lòng, tích cực tham gia; đẩy mạnh thu gom, xử lý ủ cành bị bệnh, vệ sinh vườn. Hưởng ứng đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp & PTNT phát động vào ngày 25/8/2016, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh đốm nâu thanh long các địa phương đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long cho bà con nông dân.
Ông Phan Văn Thu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết, qua hơn 1 tháng ra quân tại hầu hết các xã trồng thanh long của các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân, Tuy Phong, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết, đến trung tuần tháng 9 toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn 76 lớp với 2.477 người; phát 5.662 tờ rơi, tài liệu, treo 18 băng rôn tuyên truyền. Đồng thời, huyện Hàm Thuận Nam vận động 957 hộ dân ký cam kết không xả cành, trái thanh long bị bệnh ra nơi công cộng. Về việc chặt tỉa, xử lý cành, trái bị bệnh, vệ sinh vườn, các địa phương đã tiến hành thu gom, xử lý ủ cành bị bệnh được 1.149 tấn, chủ yếu trên địa bàn các huyện Bắc Bình 738 tấn; Hàm Thuận Bắc 246 tấn; Hàm Thuận Nam 111 tấn; Hàm Tân 23 tấn, thị xã La Gi 15 tấn. Trong đó có 26 tấn cành, quả bị bệnh được ủ bằng chế phẩm sinh học BIO - ADB; diện tích vườn thanh long được vệ sinh 11.691,5 ha.
Đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long kéo dài đến ngày 31/10/2016. Từ nay đến cuối tháng, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện việc vệ sinh vườn, cắt tỉa, tiêu hủy cành quả thanh long bị nhiễm bệnh. Đối với những diện tích thanh long bị nhiễm bệnh nặng, phải tập trung khoanh vùng và triển khai quyết liệt các biện pháp tiêu diệt mầm bệnh, không để bệnh phát tán, lây lan sang các vườn bên cạnh, không để vườn thanh long bị tái phát bệnh nặng. Các thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, bám sát việc thực hiện vệ sinh tiêu hủy cành bệnh của địa bàn được phân công.
Để tiếp tục triển khai đợt cao điểm hiệu quả, mới đây ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển cây thanh long của tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Ngành, địa phương rà soát lại từng nội dung UBND tỉnh chỉ đạo để đánh giá những việc đã làm, chưa làm hoặc có làm nhưng chưa hiệu quả, nguyên nhân và giải pháp triển khai trong thời gian tới…
K. Hằng