Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 28/10/2021
BT- Ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Văn bản số 271 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3, điều chỉnh dự án thủy điện La Ngâu từ vị trí trong lòng hồ sang vị trí sau công trình La Ngà 3 để bảo đảm sự phát triển bền vững của Bình Thuận.
Phối cảnh hồ La Ngà 3. |
Điều chỉnh vị trí quy hoạch
Những ngày qua, khi nhiều cánh đồng nằm ven sông La Ngà của Tánh Linh, Đức Linh bị ngập nặng kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người dân thì chuyện xây dựng hồ La Ngà 3 và Nhà máy thủy điện La Ngâu tại xã La Ngâu, Tánh Linh lại được nhắc lại có tính quyết định cuối cùng. Cụ thể, ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương có Tờ trình số 6277/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có Nhà máy thủy điện La Ngâu 46MW. Nếu đúng vậy, có nghĩa hồ La Ngà 3 sẽ không thể xây dựng được, vì bị chồng lấn ở thế thủy điện La Ngâu nằm trọn trong lòng hồ. Câu chuyện dùng dằng này đã kéo dài 16 năm nay giữa 1 dự án thủy lợi có hiệu quả vực dậy kinh tế - xã hội của cả vùng rộng lớn và 1 dự án thủy điện có công suất 46MW, chỉ là “thêm chút” vào hàng chục ngàn MW đã và sẽ xuất hiện tạo nên Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia tại tỉnh.
Thực tế diễn ra, với cam kết sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình hồ La Ngà 3 được đầu tư từ Công văn 85/2007 của Công ty cổ phần Thủy điện La Ngâu nên tháng 1/2008, UBND tỉnh Bình Thuận mới cấp giấy chứng nhận đầu tư thủy điện La Ngâu. Sau khi triển khai một số hạng mục phụ thì ngừng hoàn toàn từ năm 2010 đến nay, vì ngân hàng không cấp vốn... Tuy nhiên, dù lỡ nhịp với kế hoạch phát điện vào năm 2014, dự án vẫn nằm trong Quy hoạch điện VII và có mặt trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong khi đó, Dự án hồ La Ngà 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 33/2020 và trong các quy hoạch được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án hồ La Ngà 3, đã thực hiện xong các bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tháng 9 rồi, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 với số tiền 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư trung hạn cho công trình này là 1.500 tỷ đồng…
Tình thế chưa rõ ràng trên tiếp tục diễn ra trong thời điểm Bộ Công Thương đang lấy ý kiến làm đề án Quy hoạch điện VIII. Sau rất nhiều báo cáo, công văn kiến nghị, vào đầu tháng 10/2021, UBND tỉnh lại có công văn gửi Bộ Công Thương, trong đó đề nghị xem xét điều chỉnh Dự án thủy điện La Ngâu. Tuy nhiên, ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận chưa được chấp thuận. Do đó, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Văn bản số 271 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành báo cáo các nội dung liên quan đến hồ La Ngà 3, đồng thời tiếp tục kiến nghị rõ vấn đề cần giải quyết. Cụ thể: “Ưu tiên xây dựng hồ chứa nước La Ngà 3, xem xét điều chỉnh dự án thủy điện La Ngâu trong danh mục các công trình thủy điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước trực tiếp từ suối Đa Mi, xây dựng công trình để phát điện) sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước xả từ hồ La Ngà 3 để phát điện) với quy mô công suất từ 35 - 40 MW”.
Khu vực sẽ là lòng hồ La Ngà 3. |
Dự án đa mục tiêu
Thêm mục tiêu phát điện trên, hồ La Ngà 3 với nhiệm vụ cấp nước sản xuất, công nghiệp, sinh hoạt… trở thành dự án đa mục tiêu nên mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của Bình Thuận như thế nào. Do đó, không thể không xây dựng. Và như trong Công văn 271, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: “Tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, với hàng chục vạn người dân được hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh dự báo nguồn cung cấp nước ngọt trong tương lai sẽ thiếu hụt trầm trọng và tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước”.
Đó cũng là sự nhìn nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều năm nay. Gần nhất, trong Công văn số 6021 gửi Bộ Công Thương góp ý Quy hoạch điện VIII trong tháng 9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói rõ: “Không đưa công trình thủy điện La Ngâu vào Quy hoạch điện VIII, vì có vị trí xây dựng chồng lấn vị trí dự kiến xây dựng hồ chứa thủy lợi La Ngà 3…”. Lùi lại khoảng 16 năm trước, thời điểm năm 2005 khi dự án thủy điện La Ngâu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập thủ tục đầu tư thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã không đồng ý, thể hiện qua 2 Công văn số 3608/2007, 3539/2009 đề xuất Bộ Công Thương không đưa thủy điện La Ngâu vào quy hoạch thủy điện nhỏ, vì trùng lắp vị trí hồ La Ngà 3. Nhưng cũng từ lúc đó, sự chồng lấn giữa 2 quy hoạch mà cụ thể là 2 dự án thủy lợi, thủy điện trên đã chính thức tạo ra “trận đấu” kéo dài đến nay, dù trong thời gian ấy, có Chủ tịch Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và cả 2 Phó Thủ tướng Chính phủ về làm việc tại Bình Thuận đã chỉ đạo hướng giải quyết.
Lần đầu là nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào tháng 5/2018 đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến các hồ thủy lợi và hồ thủy điện trên lưu vực sông La Ngà. Xác định các công trình không còn phù hợp với thực tế để đưa ra khỏi quy hoạch, công trình cần bổ sung vào quy hoạch để đầu tư giai đoạn tới, trong đó lưu ý ưu tiên đầu tư các hồ chứa nước có dung tích lớn, đa mục tiêu, nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt trong khu vực.
Tiếp đến tháng 10/2019, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tổ chức tại Bình Thuận, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về dự, đồng thời giải quyết những kiến nghị của tỉnh, trong đó đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng giải quyết 2 dự án. Cụ thể, đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2019, đồng thời lập dự án và chuẩn bị các thủ tục để triển khai công trình hồ chứa nước La Ngà 3 theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng là nhanh, vì hàng loạt khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ… đang và sẽ khởi động ở phía nam tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng, vì sao đến nay, sau tròn 2 năm, dự án thủy điện La Ngâu vẫn được nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII?
Dự án hồ La Ngà 3 theo Quy hoạch chứa 470 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615 ha ở Bình Thuận và Đồng Nai; cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho Bình Thuận và 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 34 MW, dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm. |
Bích Nghị