Thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 16:13, 28/10/2021
Dự tại điểm cầu Bình Thuận, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông góp ý từ điểm cầu Bình Thuận. |
Phát biểu góp ý từ điểm cầu Bình Thuận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đánh giá dự thảo luật lần này mở rộng, bao quát hơn các đối tượng, không phân biệt trong hay ngoài khu vực nhà nước, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Tham gia cụ thể vào dự án Luật, theo đại biểu Thông, việc sử dụng các từ “chiến sĩ” trong các danh hiệu thi đua như: “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, cấp tỉnh, bộ, ngành, toàn quốc… cho cả lực lượng vũ trang và dân chính đảng là chưa phù hợp vì nghĩa theo từ điển tiếng Việt “Chiến sĩ” là đang chiến đấu trong lực lượng vũ trang hoặc có ý nghĩa cao cả, và sẽ không phù hợp cho đối tượng công chức, viên chức trong điều kiện hiện nay. Theo đại biểu Thông, với 2 từ “chiến sĩ” chỉ nên áp dụng cho lực lượng vũ trang, còn cán bộ, công chức, các đối tượng khác phải sử dụng từ khác, ví dụ như “Lao động thi đua cơ sở” hay “Lao động tiêu biểu cơ sở” được quy định tại Điều 18, 19, 20.
Về tiêu chí thi đua, đại biểu Thông cho rằng dự thảo Luật chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể, nên có quy định về “định lượng” về việc hoàn thành nhiệm vụ cho đối tượng tham gia thi đua, phải làm thế nào để việc thi đua phản ánh đúng thực chất, không chạy theo thành tích, phong trào. Thực tế hiện nay, qua đánh giá hàng năm thì gần như 100% các cấp, các ngành, cán bộ công chức viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, một số ít hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí không có “không hoàn thành nhiệm vụ”; và cuối năm ai cũng đạt lao động tiên tiến, ai cũng được giấy khen nhưng trên thực tế thì có rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, điều này không còn ý nghĩa thi đua.
Chính vì vậy, đại biểu Thông đề xuất nên bỏ danh hiệu lao động tiên tiến, chỉ để lao động xuất sắc, hoặc chỉ nên bình chọn lao động xuất sắc, hoặc nên siết chặt các tiêu chí thi đua, đổi mới trong thi đua, đúng thực chất, có ý nghĩa động viên hơn, đúng đối tượng hơn.
Đối với vấn đề bổ sung một số thẩm quyền về thi đua khen thưởng (Điều 78), trong lần sửa đổi này có bổ sung thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội khen thưởng đối với các ĐBQH có thành tích trong nhiệm kỳ, đại biểu Thông tán thành. Tuy nhiên, đại biểu Thông đề nghị bổ sung thẩm quyền khen thưởng cho Thường trực HĐND các cấp để khen thưởng cho các đại biểu HĐND có thành tích trong nhiệm kỳ.
Liên quan về việc đăng ký thi đua, theo đại biểu Thông, việc đăng ký thi đua là cần thiết, tuy nhiên cũng cần quy định trường hợp ngoại lệ vì thực tế thường phát sinh những điều không lường trước được. Đơn cử, trong quá trình sản xuất kinh doanh người lao động có phát minh sáng kiến nó phát sinh từ thực tế mà quy định bắt buộc phải đăng ký đầu năm mới đủ điều kiện xét duyệt thì khó.
Việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, đại biểu Thông thống nhất dự thảo luật bổ sung vào là phù hợp để ghi nhận sự đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3257 ngày 27/2/2017.
Tại Điều 93, Khoản 3, 4, 5 về xử lý vi phạm còn quy định chưa rõ, đại biểu Thông cho rằng, cần xác định rõ việc xử lý theo thứ tự danh hiệu, nếu bị tước ở danh hiệu cao nhất thì các danh hiệu còn lại cũng bị tước theo vì vậy cần cơ cấu viết lại cho phù hợp, logic hơn…
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều nay (28/10), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
THU HÀ