Khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

Chính trị - Ngày đăng : 17:04, 28/10/2021

 BTO- Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, vào sáng 28/10.
Quang cảnh tại cuộc họp sáng 28/10.

Theo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh tại Bình Thuận vẫn còn diễn biến phức tạp, ca mắc mới trong cộng đồng ở Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh và Phan Thiết. Sau khi tầm soát phát hiện ca mắc Covid-19, các cơ sở y tế tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh, cách ly, khoanh vùng, xử lý môi trường tại nơi bệnh nhân… theo đúng quy định. 

Tính đến sáng 28/10/2021, toàn tỉnh ghi nhận 4.951 ca mắc Covid-19, thì có 784 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 4.112 ca khỏi bệnh và xuất viện, 65 ca tử vong (10 ca tử vọng tại TP. Hồ Chí Minh). Tổng số người trên 18 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là 661.746 người, đạt tỷ lệ 75,5% ( 586.040 người tiêm mũi 1 - chiếm tỷ lệ 66,9%, 75.706 người tiêm mũi 2 - chiếm tỷ lệ 8,65%). Số người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đạt tỷ lệ 44,55% (40.650 người đã tiêm mũi 1; 2.250 người đã tiêm mũi 2).

Với mục tiêu kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan ra diện rộng và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 2780 của UBND tỉnh, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó dịch COVID-19. Rà soát các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung điều trị, phương án về vật tư, sinh phẩm y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Sở Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Với công tác quản lý người từ địa phương khác trở về tỉnh, các “Tổ giám sát COVID cộng đồng” thực hiện chưa hiệu quả. Đề nghị Công an tỉnh khẩn trương tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh những biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả mô hình này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phongchỉ đạotại cuộc họp về  phòng, chống dịch COVID-19sáng 28/10.

Trong khu vực vùng đỏ, cách ly y tế (phong tỏa cứng), việc đi lại  phải được quản lý thực hiện nghiêm. Các khu vực còn lại của vùng đỏ vẫn phải triển khai lập chốt kiểm soát nếu chưa xác định được yếu tố dịch tễ trong khu vực này. Sau khi xác định được yếu tố dịch tễ, tiến hành thu hẹp phạm vi phong tỏa, bố trí chốt kiểm soát phù hợp. Với vùng cam, thực hiện việc phong tỏa theo phạm vi hẹp, quản lý chặt các nhóm nguy cơ trong vùng này. Người đi từ vùng cam đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 tiếng. 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng việc quét mã QR đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương rà soát và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Khi có ca F0 trong cộng đồng, các địa phương xử lý như 1 ổ dịch, phong tỏa hẹp. Nếu cần thiết thì triển khai phong tỏa tạm thời theo quy mô thôn, khu phố để tiến hành xét nghiệm sàng lọc. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm sàng lọc, thì đánh giá mức độ nguy cơ, tiến hành thu hẹp phạm vi phong tỏa.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, đề xuất các biện pháp quản lý chặt trong công tác phòng, chống dịch với các hoạt động cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quy định được áp dụng đối với các khu vực vùng cam, vùng đỏ. Tăng cường mật độ tuyên truyền để người dân kịp thời nắm rõ thông tin về các ca mắc mới, và phối hợp tốt với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. 

Trang Minh