Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020: Phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội

Kinh tế - Ngày đăng : 08:17, 03/11/2016

Tăng diện tích đất phi nông nghiệp

BT - UBND tỉnh đã thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó hiện trạng đất nông nghiệp toàn tỉnh được xác định 677.298 ha, chiếm 85,25% diện tích tự nhiên; trong đó, đất chuyên trồng lúa 43.983 ha chuyển sang ổn định 43.600 ha vẫn đảm an ninh lương thực, trước đó một số diện tích trồng lúa các hộ gia đình, cá nhân đã chuyển sang trồng cây lâu năm như thanh long. Còn đất 3 loại rừng lâm nghiệp (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tăng nhẹ so với chỉ tiêu phân bổ của Chính phủ, chiếm 333.629 ha. Tương tự, điều chỉnh tăng diện tích đất phi nông nghiệp gần 93.000 ha lên hơn 112.000 ha (14,1 % diện tích tự nhiên) phục vụ công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Điều chỉnh trên cơ bản được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý.

         
   

   

      Đất du lịch dịch vụ ven    biển.

Việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh tính đến nhu cầu thực tế sử dụng đất trong 5 năm tới cho từng ngành kinh tế - xã hội. Cụ thể, đất phát triển hạ tầng các cấp (quốc gia, tỉnh, huyện, xã) 34.122 ha, thấp hơn chút đỉnh so chỉ tiêu Chính phủ phân bổ, do nhu cầu sử dụng đất của ngành có một số công trình như thủy lợi, giao thông, giáo dục, trụ sở cơ quan đã thực hiện hoặc không còn tính khả thi… Với ngành du lịch thế mạnh Bình Thuận, nhu cầu sử dụng đất khu du lịch khá lớn nằm trong nhóm đất thương mại dịch vụ chiếm hơn 12.000 ha phân bổ đều khắp từ vùng biển đến miền núi ở 10 huyện, thị xã, thành phố; nhằm thu hút mạnh đầu tư, phát triển ngành “công nghiệp không khói” địa phương. Bên cạnh đó, 25 khu vực đất có di tích, danh thắng cũng được quy hoạch 176 ha vừa bảo tồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa, vừa phục vụ du lịch… Còn với trữ lượng khoáng sản titan ven biển Bình Thuận dẫn đầu trong cả nước đang thu hút đầu tư khai thác khá mạnh những năm gần đây, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động này tăng hơn gấp đôi so quy hoạch, với 5.837 ha chủ yếu khai thác ilmenit, zicon thuộc khu vực các mỏ: Long Sơn - Suối Nước, Thiện Ái, Vũng Môn, Suối Nhum, Hoàng Lan, Thắng Hải chạy dài các địa phương ven biển. Đồng thời khai thác than bùn tại Đa Kai, huyện Đức Linh; cát thủy tinh khu vực mỏ Thắng Hải, huyện Hàm Tân, mỏ Tân Phước, thị xã La Gi…

Trên lĩnh vực xã hội, điều chỉnh quy hoạch tính đến nhu cầu sử dụng đất cơ sở y tế khoảng 100 ha; nhằm mở rộng bệnh viện (đa khoa tỉnh, khu vực Bắc Bình Thuận, Nam Bình Thuận), nâng cấp trung tâm y tế, y tế dự phòng, bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế tuyến xã đều khắp các địa phương. Tỉnh cũng dự kiến xây dựng bệnh viện chuyên khoa (mắt, tâm thần, sản nhi), Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường… Trong khi đó, quỹ đất cũng dành thỏa đáng cho cơ sở thể dục thể thao phục vụ xây dựng nhiều công trình cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời đất dành cho bãi rác, xử lý rác thải gần 500 ha để xây dựng nhà máy xử lý rác thải (Phan Thiết tại xã Tiến Thành, Bắc Phan Thiết; Tân Bình, TX. La Gi), khu xử lý chất thải rắn khu vực (Bắc Bình- Tuy Phong, Đức Linh- Tánh Linh); bãi rác tập trung, khu xử lý rác thải nhiều nơi trong tỉnh…

Cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau khi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 có một số chỉ tiêu thay đổi cho phù hợp điều kiện thực tế. Các sở ngành chức năng, địa phương công bố, công khai điều chỉnh theo quy định; đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất tập trung phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Căn cứ điều chỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, UBND 10 huyện, thị xây dựng cụ thể từng hạng mục công trình trong 5 năm, huy động vốn, các nguồn lực khác để thực hiện phương án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, địa phương công khai đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực giữ nhiều đất trồng lúa; khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm bù lại phần diện tích đất nông nghiệp do bị chuyển mục đích sử dụng… 

         
   

   Thực hiện sử dụng đất 5 năm kỳ đầu còn    thấp

         Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, trong quy    hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015), các chỉ tiêu thực hiện    đất nông nghiệp, phi nông nghiệp cơ bản đạt so phê duyệt phân bổ của    Chính phủ. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thực    hiện thấp, như đất khu công nghiệp (65%), thương mại, dịch vụ (66%),    bãi thải, xử lý chất thải (21%), cơ sở văn hóa (26%), cơ sở y tế    (51%), cơ sở giáo dục đào tạo (59%), cơ sở thể dục thể thao (36%).    Nguyên nhân do suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư FDI,    các nguồn vốn trong nước; công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất của    các  ngành, địa phương để lập quy hoạch chưa sát với nhu cầu thực    tế…

 Thái Khoa