Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:48, 01/11/2021

Bài 3: Vì sao hồ La Ngà 3 là duy nhất và cấp thiết?

Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu…

BT- Chuyện để giúp hàng triệu người dân có cơ hội đổi đời cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua công trình hồ La Ngà 3 ở 3 tỉnh gồm Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là điều không đơn giản nhưng bức thiết không chỉ của hiện tại. Trước đó, sau các văn bản kiến nghị, nhiều cuộc họp diễn ra thì vấn đề được đánh dấu ghi nhận tại một cuộc họp liên ngành diễn ra năm 2016, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với nội dung về đầu tư xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3 và tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án thủy điện La Ngâu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, tại Công văn số 4911 vào ngày 27/10/2016, bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các việc. Cụ thể, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo rà soát điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà cho phù hợp, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trình Thủ tướng Chính phủ; giao UBND tỉnh Bình Thuận thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện, khách quan các tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3…

Hồ thủy lợi Ba Bàu huyện Hàm Thuận Nam năm nào cũng trơ đáy đầu mùa khô.

UBND tỉnh đã thuê Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam thực hiện “Đề án đánh giá tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận đối với vùng hạ du sông Đồng Nai” theo đúng đề cương được phê duyệt. Nổi bật khâu lấy ý kiến góp ý đề án đã thu hút sự quan tâm, nhiệt tình của các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như các sở, ngành, huyện, thị trong tỉnh nên nội dung đề án được bổ sung hoàn chỉnh ở các góc độ tưởng rất khó với 1 công trình đa mục tiêu như hồ La Ngà 3. Như góp ý của tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 10727/UBND-CNN ngày 18/10/2017 và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Văn bản số 11621/UBND-VP ngày 28/11/2017, cho thấy cả 2 tỉnh đều đề nghị phải bổ sung giải pháp kỹ thuật về cấp nước từ đập Gia Huynh về vùng tưới của Đồng Nai với diện tích tưới 17.450 ha và về Bà Rịa - Vùng Tàu với nhu cầu cấp nước 300.000 m3/ngày. Còn với Bộ Công thương góp ý qua văn bản số 10682/BCT-ĐT ngày 13/11/2017, trong đó có yêu cầu cập nhật chuẩn xác hiện trạng và quy hoạch phát triển thủy điện có liên quan trên lưu vực cũng như những ảnh hưởng đến thủy điện Trị An sẽ mở rộng, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi…

Sau khi Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam tiếp thu, điều chỉnh bổ sung tất cả các ý kiến góp ý trên, kể cả yêu cầu của Hội đồng thẩm định, cuối cùng vào tháng 12/2020, đề án đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt ban hành. Ở diễn biến khác liên quan, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 đã thực hiện xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hồ La Ngà 3. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư trung hạn cho hồ La Ngà 3 là 1.500 tỷ đồng… Nếu không vướng quy hoạch từ thủy điện La Ngâu, theo trình tự Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo hồ sơ tiền khả thi của dự án La Ngà 3 để Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ được bố trí vốn và triển khai dự án với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.

 Vì địa hình kiến tạo

Ngày 30/9/2021, Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đề nghị cập nhật Dự án thủy điện La Ngâu vào Quy hoạch điện VIII. Trong đó có trích nêu những tác động khi xây dựng hồ La Ngà 3 để phủ nhận tính khả thi của dự án, tập trung vào những con số như dự án sẽ chiếm dụng 6.600 ha và riêng diện tích ngập lòng hồ là 2.100 ha, di dân gần hơn 600 hộ, ngập diện tích đất lâm nghiệp 250 ha, ngập 11 km QL 55, xâm nhập mặn hạ lưu Đồng Nai 1,2 km…

Mua nước sinh hoạt vào mùa khô ở Hàm Tân (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề nằm trong góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho “Đề án đánh giá tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận đối với vùng hạ du sông Đồng Nai” vào cuối năm 2017. Lúc ấy, bộ yêu cầu bổ sung làm rõ việc sử dụng nước ở hạ du sông La Ngà và hạ du sông Đồng Nai, đẩy mặn, giảm ô nhiễm ở hạ lưu sông Đồng Nai, đánh giá tác động của dự án theo các kịch bản có xét đến việc chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Đồng Nai, vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Song song, cũng yêu cầu làm rõ các nội dung liên quan đến rừng, thảm phủ, tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3 đến ngập đất các loại, đặc biệt là diện tích rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, các biện pháp giải quyết…Với những yêu cầu thiết thực đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam tiếp thu, chỉnh sửa làm rõ cũng như đề ra giải pháp khắc phục hợp lý nhất nên đã tạo được sự nhất trí, đồng thuận chung.

Giả sử việc xây dựng đề án trên không chặt chẽ thì chính tỉnh Đồng Nai, người dân ở nơi hạ du sông Đồng Nai sẽ cảm nhận rõ nhất. Nhưng cùng tham gia vào đề án trên, Đồng Nai đã thấy thỏa đáng. Và vấn đề mà tỉnh này nhấn mạnh tại Văn bản số 10727/UBND-CNN ngày 18/10/2017: “Việc không đáp ứng được khả năng cung cấp nguồn nước do năng lực thủy lợi hạn chế, năng lực tưới hiện có đạt khoảng 9.885/193.000 ha đất nông nghiệp của vùng. Nguyên nhân tỷ lệ diện tích được tưới thấp do đặc điểm địa hình và nguồn nước của vùng không có khả năng xây dựng các công trình thủy lợi có quy mô lớn”.

Đặc thù địa hình như Đồng Nai nêu thể hiện phần nào địa hình khu vực dự án, khi thiên nhiên đã tạo nên một bậc thềm có chênh lệch cao độ khá lớn giữa thượng lưu lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông La Ngà. Thêm vào đó, vùng ven biển có lượng mưa nhỏ, sông ngắn và dốc, nên đối với từng lưu vực riêng lẻ, lượng nước tại chỗ không thể đáp ứng nhu cầu nước một cách đầy đủ và ổn định. Vì thế, phân tích của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam là phải chuyển nước lưu vực và chỉ có hồ La Ngà 3 có vị trí tại vùng La Ngâu là duy nhất thực hiện điều đó. Vì thế, tầm vóc dự án phải lớn nên tác động cũng lớn theo.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, các tác động trên là tất yếu phải xảy ra khi xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện lớn. Bằng chứng thấy rõ qua xây dựng thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Trị An, hồ Cửa Đạt... Việc mất đất rừng, mất khu dân cư cùng cơ sở hạ tầng do nằm ngập trong lòng hồ khi xây dựng hồ chứa nước lớn thường được đơn vị tư vấn lập dự án, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, khoa học, phân tính đánh giá tính hợp pháp, tính khoa học và sự lợi hại trước khi quyết định. Đối với dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, tại “Đề án đánh giá tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận đối với vùng hạ du sông Đồng Nai” đã có định hướng giải quyết từng nội dung tác động. Tính bền vững, hiệu ích kinh tế, xã hội mà dự án mang lại lớn hơn nhiều lần so với tác động gây ra.

Nếu xây dựng thủy điện La Ngâu sẽ không còn khả năng xây dựng hồ La Ngà 3 do turbine phát điện của NMTĐ La Ngâu đặt tại cao trình khoảng +130m, trong khi mực nước dâng bình thường của hồ La Ngà 3 là +164,36m nên toàn bộ nhà máy nằm trong lòng hồ La Ngà 3 và theo quy hoạch không thể chia làm 2 bậc thang xây dựng cả thủy điện La Ngâu và hồ La Ngà 3. (Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam).

BÍCH NGHỊ