Chống tham nhũng - cuộc chiến “không ngừng, không nghỉ”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 06:52, 02/11/2021

BT- Gần đây, lợi dụng việc một số cán bộ, lãnh đạo địa phương vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước bị khởi tố, bắt tạm giam và một số lãnh đạo của Cảnh sát biển Việt Nam bị kỷ luật, các thế lực thù địch xuyên tạc cho rằng công tác chống tham nhũng của Đảng ta không hiệu quả. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Có thể nói, từ khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp thì hiện tượng tham nhũng đã xuất hiện và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là vấn đề của mọi quốc gia, ở mọi thời đại và ở các thể chế chính trị khác nhau. Các quốc gia bất luận dù là phát triển hay đang phát triển đều xuất hiện tham nhũng ở các mức độ khác nhau. Năm 2021, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã xếp hạng các quốc gia có nạn tham nhũng lớn nhất thế giới thì hầu hết đều có thể chế đa đảng, đa nguyên chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham ô, lãng phí là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người chỉ rõ bản chất của tham ô: “Là lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”, “Tham ô là trộm cướp”. Nói về quyết tâm chống bệnh tham ô, hối lộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì câu chuyện về vụ án của Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu là một điển hình. Khi đồng chí Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác lấy hình ảnh cây xoan bị sâu đục và trả lời: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”. Do vậy, có thể khẳng định vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh tham ô, hối lộ đã được các lãnh tụ quan tâm từ rất sớm, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền, xem đó là vấn đề liên quan đến sự tồn vong của chế độ.

Cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta thực hiện quyết liệt, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đặc biệt từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã liên tiếp ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể kể đến đó là: Nghị quyết TW4 (khóa XI) và Nghị quyết TW4 (khóa XII). Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Qua đó có tác dụng cảnh báo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, ngăn chặn “lợi ích nhóm”, vi phạm pháp luật… Những đột phá trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, được quốc tế ghi nhận.

Mới đây, ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng”. Có thể nói việc đổi tên Ban Chỉ đạo là bước tiến mới trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi vì theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, việc phòng chống tiêu cực song song với phòng chống tham nhũng chính là cách xử lý toàn diện. Hội nghị TW4 (khóa XIII) vừa kết thúc cũng đã mở ra một chương mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng khi đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là quyết tâm của toàn Đảng ta: “Phòng chống tham nhũng: Quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên”.

Việc Đảng ta xử lý cán bộ, lãnh đạo địa phương và một số lãnh đạo của Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Việc xử lý công khai, nghiêm minh các tướng lĩnh Cảnh sát biển đã thể hiện rõ quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý cán bộ, đảng viên, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta và cũng là minh chứng rõ nét nhất để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng.

Phạm Thanh Điềm