Khởi động dự án hồ chứa Cà Tót
Kinh tế - Ngày đăng : 08:34, 11/11/2016
Khởi động sau 10 năm
Hồ chứa nước Cà Tót được khảo sát từ năm 2006, nhưng đến nay mới đủ điều kiện để khởi động. Dự án có tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ Ý dự kiến 421.255.331.000 đồng và vốn đối ứng của Việt Nam (chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng kênh chính, chi phí hoạt động của Ban quản lý dự án lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận). Vùng hồ chứa Cà Tót nằm trên sông Kà Tang (một nhánh của sông Lũy) bắt nguồn từ các dãy núi thuộc huyện Di Linh, Lâm Đồng. Dòng sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đổ ra sông Lũy tại xã Sông Lũy cách quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía Tây. Cụm công trình đầu mối nằm trên xã vùng cao Phan Tiến, cách quốc lộ 1A khoảng 20 km. Hồ có dung tích 15 triệu m3 nước và có khả năng tưới cho hơn 1.500ha đất canh tác của 3 xã: Phan Tiến, Sông Lũy và Bình Tân thuộc huyện Bắc Bình, cung cấp nước sinh hoạt cho 11.000 dân trong khu tưới; đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ và xây dựng môi trường sinh thái. Khu tưới của dự án là vùng lòng chảo, bị chia cắt bởi các gò cao xen kẽ. Nếu khâu đền bù hoa màu thuận lợi thì dự án sẽ khởi công trong năm 2017 và hoàn thành vào đầu năm 2019. Theo đó 453,37ha đất cần thu hồi, trong đó 28,104ha đất rừng sản xuất.
Mới đây (ngày 30/9/2016), bà Beatrice Majone điều phối dự án, đại diện nhà thầu liên danh Nước – Ideas Bình Thuận (NIBT) và BQL dự án lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận đã có cuộc khảo sát thực địa và triển khai các bước cần thiết của dự án, rà soát nghiên cứu khả thi dự án… nhằm triển khai hợp phần hồ chứa nước Cà Tót theo đúng hiệp định hai nước.
Chi phí giải tỏa tăng 30 lần…
Theo bản ghi nhớ trước đây giữa hai Chính phủ Việt Nam - Ý, hợp phần hồ chứa nước Cà Tót và hệ thống kênh mương chính có tổng mức vốn đầu tư 255 tỷ đồng. Qua hơn 10 năm Nhà nước thay đổi chính sách, chế độ về đền bù đất đai, tài sản, hoa màu trên đất nên chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ lên đến 172,45 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí đầu tư đường vào khu sản xuất, nộp tiền trồng rừng… Tổng chi phí đền bù lên đến 182,14 tỷ đồng. Chi phí này đã tăng gần 176 tỷ đồng, cao gấp 30 lần so với dự kiến ban đầu. Đây là một khó khăn lớn trong việc triển khai dự án.
Theo ông Mai Chí, Giám đốc Ban quản lý dự án lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận thì dự án hiện đang khởi động, trong những tháng cuối năm 2016 thực hiện các thủ tục quy định về tài chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; thực hiện phương án trồng rừng thay thế. Triển khai thu hồi đất và đền bù giải tỏa chuẩn bị mặt bằng để thi công công trình. Đôn đốc nhà thầu liên danh NIBT khẩn trương khảo sát địa hình, địa chất, rà soát điều chỉnh dự án đầu tư và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí bồi thường cao nên vốn đối ứng tăng gấp nhiều lần so với trước, cho nên tỉnh phải đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ hỗ trợ Bình Thuận về vốn đối ứng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công công trình.
LÊ THANH