Hàm Minh: Chú trọng tuyên truyền phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 10/11/2016
Mặc dù đây là thời điểm xã vừa kết thúc đợt cao điểm ra quân thực hiện công tác phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long, nhưng tiếp chúng tôi, ông Đặng Xuân Chững- Tổ trưởng tổ VietGAP số 1, là tổ VietGAP đầu tiên trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vẫn luôn tỏ ra hăng hái. Dẫn chúng tôi đi thăm từng trụ thanh long đang chong đèn, trổ bông xanh ngát, ông Chững nói: Mới năm ngoái, diện tích này bị nhiễm bệnh đốm nâu nặng, thiệt hại trên 80%. Vậy mà nhờ áp dụng các biện pháp vệ sinh vườn hiệu quả theo hướng dẫn của cấp trên, toàn bộ 40 ha thanh long của tổ VietGAP nay đã “hồi sinh”. Hiện vườn thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu hoạch từ 80-85% diện tích với giá từ 12-13 ngàn đồng/kg, khiến bà con rất phấn khởi. Ông Chững quả quyết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền cho bà con về hiệu quả của việc vệ sinh vườn thanh long để phòng trừ đốm nâu và coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục”.
Ông Nguyễn Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Minh cho hay, diện tích thanh long hiện nay trên địa bàn xã là 1.510 ha/2.047 hộ. Dù là cây trồng chủ lực của xã, nhưng trong năm qua thanh long xuất hiện nhiều loại dịch bệnh, trong đó có bệnh đốm nâu là nặng nề nhất và chưa có thuốc đặc trị. Do đó, UBND xã đã củng cố ban chỉ đạo phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long, phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể phụ trách từng địa bàn thôn, tuyên truyền về công tác phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long bằng nhiều hình thức như phát tài liệu theo quy trình của Chi cục Bảo vệ thực vật, tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, vận động các hộ dân tổng vệ sinh vườn; treo băng rôn ở các khu dân cư, phát tờ rơi về quy trình phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long. Mặt khác, các hộ dân ký cam kết không vứt cành, trái bị bệnh ra mương, suối, nơi công cộng và tổ chức thu gom cành, trái thanh long bị bệnh bỏ vào nơi quy định. Kết quả, UBND xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn và phát tài liệu cho 412 hộ nông dân; diện tích vệ sinh vườn là 1.571 lượt ha; phát trên 1.500 tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng, trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long… Đến cuối tháng 10/2016, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu trên địa bàn xã là 237 ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Hà, hiện vẫn còn một số hộ dân có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đúng về tác hại của bệnh đốm nâu, chưa quan tâm đến công tác vệ sinh vườn. Không ít người còn trông chờ vào thuốc đặc trị và một số hộ đổ cành, trái bị bệnh nằm dọc bên các tuyến đường, bờ rào, ranh vườn dẫn đến mầm bệnh dễ lây lan và phát tán vào mùa mưa.
Cũng trong chuyến thăm và gặp gỡ với hộ ông Chững và một số gia đình trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã động viên và nhắc nhở người dân cần chú trọng công tác phòng, chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long; cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Hàm Thuận Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân nhận thức được tính hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh đốm nâu…
Kiều Hằng