Chỉ còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng không rút thẻ vàng

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 15:50, 04/11/2021

BTO - Do dịch Covid-19 nên 2 năm 2020-2021 phía Ủy ban châu Âu (EC) không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Dự kiến tới quý 1/2022 phía EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại các vùng biển. Đây là cuộc kiểm tra có tính quyết định xem có gỡ “thẻ vàng’ cho thủy sản Việt Nam được hay không?
Tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ tại Bình Thuận.

Nhưng qua cuộc trao đổi trực tuyến mới đây, bên cạnh công nhận các nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong chống khai thác bất hợp pháp IUU, phía EC đã nêu ra 6 tồn tại chính mà phía Việt Nam cẩn khẩn trương khắc phục. Trong đó đầu tiên là việc lắp đặt, quản lý và vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) chưa đạt kết quả 100%.

Liên hệ với Bình Thuận, 4 năm qua đã nghiêm túc và quyết liệt triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp. Tiến độ lắp đặt VMS trên đội tàu cá Bình Thuận thuộc nhóm dẫn đầu trong 28 tỉnh-thành có biển của cả nước. Bình Thuận sẽ sớm hoàn thành 100% tàu cá lắp đặt VMS.

Trung tâm giám sát tàu cá đã đi vào hoạt động, tổ chức trực 24/7, theo dõi, giám sát hành trình, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá có ý định đi khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Từ một tỉnh trước kia có nhiều tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ, 2 năm qua Bình Thuận gần như không phát hiện trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Đó là một sự tiến bộ rất đáng ghi nhận ở vùng biển này.

Nhưng việc quản lý, vận hành hệ thống VMS tàu cá còn nhiều bất cập. Trong nửa đầu năm nay vẫn còn có hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Thuận thường xuyên mất kết nối VMS hàng chục ngày trên biển.

Nguyên nhân do một số chủ tàu ngừng đóng phí thuê bao sử dụng dịch vụ, nên bị ngắt kết nối vệ tinh; Một số do thiết bị VMS hư hỏng, không hoạt động; Một số khác thì cố tình tắt VMS, tránh bị phát hiện. . .

Các địa phương đã bước đầu xử lý hành vi này. Ví dụ như ngày 25/5/2021, Đồn biên phòng Phước Lộc đã tham mưu UBND TX La Gi ra quyết định xử phạt một tàu cá Bth 96132 TS (nghề câu mực) số tiền 25 triệu đồng, vì không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Còn Chi cục Thủy sản khi phát hiện hàng trăm tàu cá mất kết nối hàng chục ngày trên biển, đã thông báo và yêu cầu các trạm Kiểm ngư phối hợp Đồn biên phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở VMS 24/24 theo quy định. Nếu tàu cá nào tiếp tục vi phạm thì xử lý theo Nghị định 42 của Chính phủ.

Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh - thành phố có biển xử phạt nghiêm các tàu cá không trang bị VMS; không duy trì hoạt động, hoặc vô hiệu hóa hay tháo thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

UBND tỉnh vừa qua cũng chỉ đạo các huyện-TX-TP đối với tàu cá đã lắp VMS nhưng tắt kết nối trên 10 ngày thì phải xử lý nghiêm, đưa các chủ tàu này ra khỏi danh sách được hỗ trợ theo NĐ 67.

Bình Thuận vừa khép lại một vụ cá Nam đầy sóng gió, tàu cá liên tục phải nằm bờ, cảng cá đóng cửa, phong tỏa để phòng chống dịch; giá xăng dầu liên tục leo thang, trong khi giá hải sản xuống thấp, do ách tắc trong khâu lưu thông, tiêu thụ. Đó cũng là tình trạng chung của nghề cá Việt Nam do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong hoàn cảnh đó, mục tiêu Chính phủ đề ra là đến 31/12/2021 phải chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá và ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, để sang năm 2022 (chậm nhất là 2023) phải gỡ được “thẻ vàng” thủy sản.

Nhiều giải pháp đang được các Bộ ngành đưa ra để khẩn trương khắc phục 6 tồn tại mà EC nêu ra, trong đó có tăng mức phạt nặng với tàu cá cố tình tắt VMS trên biển; tập trung tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng chủ tàu, thuyền trưởng về chống khai thác iUU…

Bình Thuận cùng với 27 tỉnh - thành có biển phải chuẩn bị cho đợt kiểm tra thực tế của EC vào đầu năm tới. Bởi nói gì thì nói, Đoàn Thanh tra của EC đã tuyên bố dứt khoát: “Chỉ còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng không rút thẻ vàng”.

Đặng Dũng