Bồ câu Thiện Nghiệp và cánh cửa siêu thị
Kinh tế - Ngày đăng : 08:53, 25/11/2016
200.000 đồng/kg
Bồ câu Pháp nuôi tại xã Thiện Nghiệp đã có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, kiểm soát thú y… để vào Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết trước dịp Tết Quý Tỵ (2014). Tuy nhiên, việc này đến nay đã chấm dứt.
Trước đây, toàn xã Thiện Nghiệp có 21 hộ nuôi chim bồ câu, trong đó có 11 hộ cùng nhau lập nên tổ hợp tác nuôi chim bồ câu Pháp và đưa vào siêu thị 5 - 7 kg thịt/ngày, khoảng 35 - 40kg thịt/ tuần, với giá 200.000 đồng/kg. Sau đó, số lượng thịt vào siêu thị dần dần giảm còn 2kg/ngày. Tổ hợp tác theo đó cũng rã dần, hiện cả xã chỉ còn 8 hộ nuôi.
Ông Trần Minh Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp giải thích, giá xuất vào siêu thị 200.000 đồng/kg, khoảng 2 - 3 con/kg (đã làm sạch). Siêu thị bán đến tay người tiêu dùng phải trên 200.000 đồng/kg. Giá thành cao do thực phẩm chăn nuôi cao, các chi phí làm lông giết mổ, kiểm dịch thú y, bao bì, vận chuyển cũng cao… nên khó bán. Trong khi, ngoài thị trường bồ câu thịt chỉ khoảng 120.000 đồng/kg (chưa làm lông). Vì vậy, lượng hàng đưa vào siêu thị của tổ hợp tác giảm dần. Phía siêu thị từng đưa ra yêu cầu giảm giá, tổ hợp tác có thể giảm xuống còn 190.000 đồng/kg, nhưng siêu thị không đồng ý mức giảm này.
Siêu thị nói gì?
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Vi (Phó giám đốc ngành hàng thực phẩm Siêu thị Co.op mart Phan Thiết), thời gian đầu, người tiêu dùng thấy mặt hàng thịt chim bồ câu lạ nên dùng thử. Dần dần, sức mua mặt hàng này giảm nhiều do giá thành cao. Tổ hợp tác cần tính toán làm sao để giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, bởi chim bồ câu Pháp đẻ liên tục và thời gian xuất bán cũng nhanh hơn so với nuôi gà rất nhiều, nhưng giá gà chỉ có 110.000 – 120.000 đồng/kg. Với gà, chế biến được đa dạng món ăn, trong khi thịt chim bồ câu chỉ có thể nấu cháo đậu xanh, rô ti, ram mặn. Mặt khác, người nuôi chim cần cải tiến bao bì đóng gói, mỗi bao bì đóng gói 1 con bằng cách hút chân không (giá máy hút chân không khá rẻ). Khách hàng cũng dễ mua khi lựa chọn sản phẩm. Siêu thị luôn ưu tiên hàng hóa của địa phương, sẵn sàng lấy hàng thịt chim bồ câu Pháp của người nuôi Thiện Nghiệp với điều kiện có đầy đủ giấy chứng nhận như trước đây. Nếu có sự cải tiến về giá, bao bì… hy vọng sản phẩm sẽ được bán rộng rãi trong hệ thống Co.op mart toàn quốc.
Cần sự nhạy bén
Ông Quân cho biết: 8 hộ nuôi bồ câu hiện nay chủ yếu bán cho thương lái hoặc cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu với giá dao động 60.000 – 70.000 đồng/cặp (chưa làm lông). Với hộ nuôi tốt, cứ 100 cặp bố mẹ xuất được 50 cặp thịt. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 5.000 - 7.000 đồng/cặp. Bồ câu Pháp được các hộ nuôi cho ăn hoàn toàn cám thực phẩm công nghiệp và tự ấp trứng.
Để giảm chi phí tăng năng suất, một số cơ sở nuôi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long tự trộn thức ăn cho chim gồm 20% cám công nghiệp còn lại là ngô, lúa mạch, đậu tương, mè… đầu tư hệ thống dẫn nước uống tự động đến từng chuồng bồ câu. Làm ngăn đựng trứng bên ngoài dán bảng theo dõi ngày chim đẻ, gom trứng đưa vào lò ấp. Trong quá trình nuôi, theo dõi cặp bố mẹ nuôi con khéo thì ghép 4 con chim non vào 1 cặp bố mẹ, bổ sung dinh dưỡng, bữa ăn để nuôi chim non mới nở. Cách tách con sớm, chỉ sau 15 ngày chim đẻ một lứa, bằng 1/4 thời gian so với cách nuôi truyền thống. Theo cách truyền thống, mỗi cặp chim bố mẹ nuôi 2 con non và tiếp tục đẻ lứa tiếp sau 40 - 45 ngày. Trong thời gian này lượng tiêu tốn thức ăn lớn, hiệu quả kinh tế thấp.
Từ thông tin trên cho thấy cách nuôi truyền thống tỷ lệ hao hụt trong cách ấp trứng nuôi con non khá cao, vòng tuần hoàn đẻ lứa kế kéo dài thời gian, giá thức ăn cao… dẫn đến hiệu quả thấp hơn so với cách cải tiến của một số tỉnh bạn. Dẫu sao, thời gian qua thịt chim bồ câu Pháp của nông dân Thiện Nghiệp vào được hệ thống bán lẻ của Co.op mart là một thành công. Để thịt bồ câu Pháp vào siêu thị Co.op mart Phan Thiết nhiều hơn, người nuôi cần linh hoạt hơn, nhạy hơn từ khâu sản xuất cho đến cách mua bán, quảng bá sản phẩm… nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm.
Trang Hiếu