Cuộc “sắp xếp” thích nghi với dịch 

Kinh tế - Ngày đăng : 10:39, 05/11/2021

BT- 1. Bản tin sáng ngày 4/11, toàn tỉnh có thêm 194 ca nhiễm Covid-19, trong đó TP. Phan Thiết 117 ca với đa số là ca cộng đồng, Hàm Thuận Bắc cũng thế với 38/51 ca nhiễm là cộng đồng… khiến nhiều người đã ở thế chấp nhận sống chung với dịch bệnh, nhất là những ngày liên tiếp gần đây, số ca cộng đồng cứ nhiều lên. Đây là điều ai cũng cảm nhận rất rõ, sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới theo Quyết định 128/CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đẩy mạnh tiêm vắc xin cùng dấu mốc ngày 13/10 cho phép những chuyến xe liên tỉnh được hoạt động lại và dòng người từ các tỉnh, thành có dịch về lại quê, hay đi du lịch… Điều đáng nói, việc tiêm vắc xin đã được đẩy mạnh theo từng mức độ khác nhau giữa các tỉnh, thành nhưng một thực tế, ai cũng nghe thấy những ngày qua là người chích 2 mũi vắc xin dương tính với Covid-19 không ít. Với 2 yếu tố, số...

Như Đức Linh, dịch đã chuyển rất nhanh từ cấp độ 1 toàn địa bàn huyện với màu xanh sang cấp độ 3, màu cam chỉ trong vòng 10 ngày. Từ ngày 20/10 đến 1/11, trên địa bàn huyện có đến 134 ca nhiễm, tập trung nhiều ở thị trấn Đức Tài với 73 ca và một số xã, thị trấn khác, nâng tổng số ca nhiễm của huyện tính từ ngày 27/4 đến nay là 186 ca nhiễm. Hiện tại, 11 xã, thị trấn của huyện đã áp dụng các biện pháp quản lý hành chính trong vùng cam (cấp độ 3), riêng Đức Tài áp dụng cấp độ 4 thuộc vùng đỏ từ 0 giờ, ngày 29/10/2021. Hay Hàm Thuận Bắc cũng thế, dù ngay sát TP. Phan Thiết nhưng từ ngày 27/4/2021 cho đến tháng 8/2021, trên địa bàn huyện chưa có ca cộng đồng, vì số ca của huyện hầu hết đi làm việc ở nơi khác bị nhiễm bệnh. Nhưng từ tháng 9 đến nay thì số ca nhiễm trên địa bàn là 558 ca, theo đó cấp độ dịch cùng vùng màu tương ứng cũng chuyển từ xanh sang cam nhanh chóng. Dù không chuyển bất ngờ như 2 huyện trên, nhưng TP. Phan Thiết lại có số ca bệnh tăng nhanh nhất, nhiều nhất ở tỉnh, sau thời gian cầm cự dịch bệnh với số ca xuất hiện ít. Là vùng cam từ nhiều ngày qua nhưng đến 0 giờ ngày 4/11, TP. Phan Thiết phải thiết lập chốt kiểm soát ra vào vùng cam.

Nhưng điều đáng quan tâm lúc này, thời điểm đã và đang chích vắc xin cho toàn dân, là không phải số lượng ca F0 tăng nhanh mà là kiểm soát tốt diễn biến bệnh trở nặng cũng như hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Khi Nghị định 128 của Chính phủ triển khai, quan điểm nhìn nhận của bao người đã nghĩ tới hướng về lâu dài là giao chức năng chống dịch chủ yếu về cho ngành chuyên môn là y tế; dựa hẳn vào dân để dập dịch. Đồng thời giúp mỗi gia đình, người dân hiểu rõ đây có thể là dịch bệnh thường niên; phải có tâm thế sẵn sàng ứng phó vì sức khỏe bản thân và gia đình. Bộ máy hành chính có trách nhiệm quản lý, dẫn dắt và tạo cơ chế hỗ trợ tối đa nhưng không thể làm thay mãi. Từ đó, mới huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.

 

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Ảnh: Ngọc Lân

2. Mấy ngày nay, thông tin khoảng 200 nhà máy đã ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike Inc trên khắp Việt Nam đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng bị đình trệ bởi tác động của dịch Covid-19 cùng các biện pháp về phòng chống dịch khiến chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Nam Hà – Đức Linh yên tâm hơn. Vì đơn vị gia công cho Tập đoàn Nike này đã chọn Cụm công nghiệp Nam Hà để xây dựng nhà máy sản xuất mà lúc ban đầu định khởi công vào tháng 9/2021. Nhưng do dịch bệnh kéo dài tạo ra “cơn sóng” rục rịch chuyển đơn hàng, chuyển nơi đầu tư sang nước khác của Nike khiến nhà đầu tư tại Cụm công nghiệp Nam Hà cũng có khoảng thời gian chần chừ. Và giờ thì đã ổn, nhà đầu tư này đang làm các thủ tục để bắt đầu xây dựng nhà máy vào đầu năm sau.

Điều đó có nghĩa nỗi lo thời gian qua về các nhà đầu tư nước ngoài vì dịch Covid bỏ đi đã chấm dứt, nhất là đại diện Nike còn cam kết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Từ quyết định của tập đoàn thuộc tốp lớn nhất thế giới này đã tạo ra thông điệp và mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành trong thời gian tới. Với Bình Thuận, cụ thể tại huyện Đức Linh vào năm sau khi nhà máy may giày dép gia công cho Nike đi vào hoạt động thì trước tiên sẽ cần khoảng 4.000 lao động. Người dân tại các vùng Đức Linh, Tánh Linh, trong đó tính cả nguồn lao động mà nhiều ngày qua đã từ các tỉnh, thành có dịch di cư về quê, tạo thách thức cho chính quyền ở đây trong nỗ lực quay lại vùng xanh, có thể sẽ tìm kiếm việc làm ngay tại quê nhà. Thực ra, lúc này, chính quyền TP. HCM cũng đang tính đến phương án lựa chọn những ngành nghề mới, những ngành tạo giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi những người lao động có kỹ năng cao hơn, có trình độ tốt hơn, còn các lĩnh vực khác để chuyển cho các tỉnh khác làm.

Đây là bài toán giải đại dịch Covid-19 của thành phố đông đúc này, khi biết chắc dịch bệnh sẽ còn quay lại. Đồng thời đó các tập đoàn, các công ty cũng ý thức sự sống còn nên bắt đầu cuộc sắp xếp lại cách tổ chức sản xuất kinh doanh. Đó là phân tán, di dời cơ sở ra nhiều tỉnh, thành theo kiểu chuyên môn hóa từng dây chuyền, công đoạn hoặc theo từng phân xưởng, nhà máy ở các địa phương ở thế tách rời nhưng liên kết để không rơi vào cảnh bỏ trứng vào cùng 1 giỏ khi biến cố xảy ra. Ví như 1 sản phẩm may mặc, có thể xưởng này chuyên làm nút, xưởng kia chuyên ráp… Cái chính là tránh tập trung đông đúc, vì đó là mảnh đất màu mỡ cho các biến thể ngày càng mạnh của vi rút Covid- 19 dễ tấn công. Chỉ cách ấy thì mới hy vọng có thể sống chung với dịch và vẫn phát triển. 

          Hảo Chi