Để đón khách du lịch an toàn, hiệu quả?

Tin tức - Ngày đăng : 03:53, 25/11/2021

BT- Sau thời gian dài “ngủ đông” do đại dịch Covid-19, đến tháng 10 vừa qua một số địa phương bắt đầu “bật công tắc” du lịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Du lịch đón khách trong trạng thái “bình thường mới”. Ảnh: Đ.Hòa

Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa thí điểm du lịch là điều mà các địa phương nên làm để nhanh chóng phục hồi ngành “công nghiệp không khói”. Khôi phục lại hoạt động du lịch thí điểm theo vùng an toàn và mở rộng khi đủ điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch là việc làm cấp thiết. Nhưng làm thế nào để đón du khách an toàn mà vẫn hiệu quả là lo lắng chung của nhiều người làm du lịch, các cấp lãnh đạo địa phương, ngành du lịch.

Muốn cho hoạt động du lịch an toàn thì phải đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chí nhất định về tiêm vắc xin ngừa Covid-19, phải tính toán kỹ lưỡng là khi nào cần xét nghiệm PCR, khi nào cần test nhanh, khi nào không cần xét nghiệm? Du khách đi trong nội tỉnh hoặc ngoại tỉnh thì cần điều kiện gì? Các hoạt động lữ hành nắm chắc các điểm đi/đến đâu là vùng xanh, vàng, cam, đỏ và yêu cầu của từng địa phương như thế nào… như vậy, ngành du lịch phải có sự kết nối, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, các địa phương chứ không thể đứng riêng một mình được.

Một khâu cũng khá quan trọng đó là công tác phục vụ du khách luôn bảo đảm quy trình vệ sinh phòng dịch chặt chẽ nhất, được cụ thể hóa qua các “điểm chạm” tại các khu vực dịch vụ trong cơ sở lưu trú, điểm tham quan, mua sắm... cùng góp phần vào công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Đây là đòi hỏi, cũng là điều kiện tiên quyết đặt ra đối với hoạt động du lịch ở thời điểm này.

Yêu cầu đặt ra là cùng với việc chú trọng nâng cấp chất lượng dịch vụ, những nơi thí điểm tái mở cửa hoạt động trở lại, phải có kế hoạch chi tiết về các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Muốn làm được điều này, thì chỉ nỗ lực của riêng ngành du lịch, một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương thôi chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, cả nước và rộng hơn. Tính liên kết trong thời điểm này đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa các địa phương và cả khách du lịch trong phòng chống dịch bệnh. Bởi chỉ cần một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương làm không tốt, để xảy ra sơ suất, gây bùng phát dịch bệnh thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các địa phương khác mà còn ảnh hưởng đến việc tái mở cửa toàn ngành du lịch. Để mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả có rất nhiều yếu tố, từ nhiều phía, song phải đảm bảo 3 yếu tố: an toàn nơi đi, an toàn nơi đến và an toàn lực lượng phục vụ. Muốn làm được điều này, cần có sự thống nhất tư tưởng của cả hệ thống, định nghĩa “bình thường mới” là tất cả các ngành kinh tế, chính trị, xã hội phải hoạt động bình thường và phát triển trong bối cảnh có dịch.

Để thích ứng với điều kiện “bình thường mới” sau khi mở cửa thí điểm và cả mở cửa khi đủ điều kiện, các doanh nghiệp du lịch cũng phải thống nhất rằng, không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả nhưng không cản trở thuận lợi của du khách. Đồng thời, các địa phương và ngành du lịch luôn xác định và thực hiện 4 tiêu chí cho an toàn: Vắc xin, 5K, công nghệ và truyền thông, những tiêu chí này tương đối phù hợp với tình hình hiện nay.

Chỉ với sự vào cuộc chủ động, tích cực, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương, ngành y tế, cơ sở kinh doanh du lịch… thì mới tạo ra sản phẩm du lịch và môi trường an toàn cho du khách.

Dụng Văn Duy

 Dụng Văn Duy