Chấn hưng văn hóa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 19:21, 24/11/2021

BTO- Chiều 24/11, tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) tiếp tục diễn ra hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bằng hình thức trực tuyến. Chủ trì hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Tại điểm cầu Bình Thuận, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ban, ngành vàkết nối với các huyện, thị.
Ảnh: Đình Hòa

Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong chương trình làm việc sáng 24/11, hội nghị đã hệ thống cơ bản để đánh giá kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn; vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước; xác định những nội dung cụ thể và đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra; tiếp tục quán triệt sâu sắc, kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, đường lối của Đảng về văn hóa… Đặc biệt, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu ý kiến phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo cụ thể hóa đường lối Đại hội lần thứ XIII, trong đó nhấn mạnh nhiều lần đến “chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước”.

Tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững đất nước, tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó mục tiêu của chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sáchvà yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 5 di sản được UNESCO công nhận; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương. Hàng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố. Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP… 

Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng đã trình bày 11 nhiệm vụ và giải pháp đề ra như nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ vàphát huy di sản văn hóa dân tộc…

Tại hội nghị, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ có những phát biểu tham luận về các chuyên đề: Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; để văn hóa, văn nghệ “soi đường cho quốc dân đi”; vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã hội; phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động… Từ đó đề ra các giải pháp như cần có nghị quyết chuyên đề mới để phát triển văn học nghệ thuật; đầu tư tương xứng các nguồn lực văn hóa; làm tốt công tác tuyên truyền xâydựng môi trường văn hóa đa dạng, phong phú. Có sự vào cuộc, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của bộ, ngành, địa phương. Cũng như cần biểu dương, nhân rộng những cái đẹp, đẩy lùi cái xấu, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi lệch chuẩn. Có sự chú ý, quan tâm xứng đáng đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân xuất chúng, tránh khen thưởng tràn lan, thúc đẩy sự sáng tạo, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định văn hóa có nhiều nội dung, nhiều việc cần làm liên tục. Văn hóa, xã hội trước mắt không làm ra tiền nên dường như lép vế, không được coi trọng như kinh tế. Có nhiều việc nhỏ, nhưng phải mất vài năm, thậm chí vài chục năm mới nhìn thấy kết quả. Vì vậy cần tiếp tục bồi dưỡng, trau dồi nhận thức về văn hóa, xác định văn hóa còn thì dân tộc còn…

Về giải pháp để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Phó Thủ tướng gợi mở một số nội dung như phải khơi dậy được khát vọng toàn dân. Trong quá trình hội nhập kinh tế có sự tiếp thu văn minh nhân loại nhưng vẫn phải trau dồi, giữ gìn nền văn hóa dân tộc. Đồng thời tạo môi trường để cổ vũ cho sáng tạo, cho cái mới phát triển, tôn trọng ý kiến khác miễn sao không đi ngược lại với sự phát triển của đất nước. Riêng về nội dung xây dựng con người, cần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trên tinh thần cầu thị, kiên trì. Văn hóa làm gương từ trên xuống và từ trong ra, nhất là đối với đội ngũ làm công tác văn hóa, bằng những hành động cụ thể như dành thời gian, nguồn lực, lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định, sửa đổi. Không ôm đồm mà phải thực hiện thật chắc, từng bước một…

T.Linh