Quy định số 41-QĐ/TW: Tạo tiền đề để từ chức trở thành "văn hóa"
Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 22/11/2021
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. |
Kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn
“Miễn nhiệm” và “từ chức” là một trong những nội dung thường xuyên được quan tâm và đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ qua. Cụ thể, tại Quy định số 260 – QĐ/TW, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị đã ban hành những căn cứ để xem xét cho cán bộ thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”; Hay tại những phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, vấn đề “văn hóa từ chức” cũng nhiều lần được đưa ra để “mổ xẻ” làm rõ trách nhiệm, năng lực quản lý của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Thế nhưng, những năm qua việc thực hiện quy định “miễn nhiệm” và “từ chức” vẫn chưa trở thành việc làm “bình thường” trong công tác cán bộ. Có không ít cán bộ yếu kém, không đủ uy tín, năng lực, trình độ vẫn đang đảm nhận những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nhiều lĩnh vực. Thực tế đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để kịp thời khắc phục những vướng mắc, cung cấp những căn cứ rõ ràng, phù hợp với thực tế và những chỉ đạo mới của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 - QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Theo đó, Quy định số 41 đã nêu rõ, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có 6 căn cứ miễn nhiệm và 4 căn cứ từ chức. 6 căn cứ miễn nhiệm là: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút; bị khiển trách 2 lần trong một nhiệm kỳ hoặc trong một thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; có 2 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị kết luận suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm; bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị và bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Đối với 4 căn cứ từ chức gồm có: Do hạn chế về năng lực, không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Đặc biệt, tại Quy định số 41 cũng đã đưa ra 3 căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu đó là: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Quy định này cũng nêu rõ quy trình, thời gian, cấp thẩm quyền xem xét miễn nhiệm hoặc cho cán bộ từ chức.
Nhận được sự đồng tình của nhân dân
Là một người thường xuyên theo dõi các thông tin về tình hình kinh tế - chính trị của đất nước, ông Nguyễn Thành Tâm nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận (phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết) nhìn nhận Quy định số 41 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực, quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như kiểm soát dịch Covid-19. Ông Tâm cho biết: Sau 12 năm thực hiện Quy định 260 của Bộ Chính trị, đến nay Trung ương đã ban hành Quy định số 41 thay thế. Đây là một quy định rất đúng đắn và phù hợp với tình hình hiện nay. “Văn hóa từ chức rất cần thiết và quan trọng, cán bộ nào thấy mình không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì chủ động từ chức. Có như vậy, mới “loại bỏ” được kiểu làm việc thiếu trách nhiệm, kết quả ra sao cũng được” - ông Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tâm, cùng với cả nước, Bình Thuận đã và đang trải qua những ngày tháng “chiến đấu” với kẻ thù vô hình là dịch Covid-19. Cuộc chiến này, cũng là dịp để sát hạch, sàng lọc cán bộ các cấp. Bởi không có cách sàng lọc nào chính xác nhất bằng cách sàng lọc qua chính công việc thực tế. Nếu cán bộ giỏi, sâu sát, gần dân, đủ bản lĩnh chính trị sẽ đưa ra những quyết sách đúng và kịp thời, từ đó sẽ giúp địa phương có những biện pháp sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh. Theo đó, Quy định số 41 ra đời trong thời điểm này sẽ tạo tiền lệ tốt cho việc đề cao trách nhiệm, nêu gương, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức nếu không thực hiện được cam kết của mình.
Đồng quan điểm với ông Tâm, ông Nguyễn Đức Binh (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh) cho biết: Suốt nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta rất quan tâm đến công tác cán bộ. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế vẫn có không ít cán bộ năng lực kém nhưng không từ chức, vẫn cố bám víu lấy chức vụ. Quy định số 41 ra đời sẽ giải quyết được những bức xúc này, khẳng định: Không làm được việc, không còn uy tín thì phải từ chức. “Tôi rất vui, vì sau nhiều năm cũng có một quy định cụ thể để đưa việc “từ chức” trở thành một văn hóa “bình thường”. Nhìn nhận thực tế, những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ khác với cán bộ làm cho có, làm cho xong, "sáng vác ô đi, tối vác ô về" mà vẫn "bình chân như vại,” ông Binh chia sẻ.
Nghiên cứu kỹ Quy định số 41, ông Binh cho biết thêm: Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực là phù hợp với đường lối của Đảng. Bởi lẽ, xưa nay khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực là xuất phát từ nguyên nhân người đứng đầu chưa thật sự sâu sát, chưa kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, do đó là chưa làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu. "Tôi hy vọng, quy định nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Muốn thực hiện nhanh thì các cơ quan liên quan cần phổ biến, quán triệt sâu rộng, thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi, tu dưỡng. Từ đó ngày càng nỗ lực nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao" - ông Binh cho biết thêm.
Có thể thấy, qua 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước. Quy định số 41 được ban hành, được xem làm bước đột phá để siết chặt những kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Triển khai thực hiện quy định trên, sẽ là cách xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng.
Ngọc Diệp