Khi bóng đá Bình Thuận không muốn “trụ hạng” nữa
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:31, 19/11/2021
Những năm gần đây, bóng đá phong trào ở Bình Thuận phát triển rất mạnh, số lượng sân cỏ nhân tạo ngày càng nhiều, thúc đẩy phong trào bóng đá cộng đồng phát triển nhanh. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các đội bóng mạnh, thường xuyên thi đấu ở các giải bóng đá 11 người, 5 người hay Futsal.
Thế nhưng, bóng đá thành tích cao lại “giậm chân tại chỗ”. Đội bóng Bình Thuận hơn 20 năm nay lận đận ở giải hạng nhì, mục tiêu cao nhất hàng năm chỉ là “trụ hạng”. Không thể phủ nhận sự cố gắng của tập thể đội tuyển cùng nhiều thế hệ cầu thủ, để “trụ” lại được giải hạng nhì trong hơn 2 thập niên qua. Nhưng rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ. Người Bình Thuận rất mê môn thể thao “vua” bóng đá, nhưng có những thời điểm khán giả không còn muốn đến sân vận động Phan Thiết để cổ vũ đội nhà thi đấu.
Nhìn ra xung quanh ta, khu vực duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, nhiều tỉnh đã có đội bóng mạnh chuyên nghiệp như: Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng… Các đội bóng Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi cũng đã được thi đấu tại giải hạng nhất quốc gia. Có phải là đội tuyển bóng đá ở những nơi đó được quan tâm đầu tư hơn?
Đội tuyển bóng đá Bình Thuận với mô hình quản lý của một đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế bao cấp, phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư rất hạn hẹp của ngân sách một tỉnh nghèo, nên rất khó phát triển. Muốn phát triển phải đổi mới cơ chế quản lý, thành lập công ty cổ phần bóng đá, chuyển giao đội tuyển cho doanh nghiệp điều hành, để tìm kiếm, huy động tài lực của nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, đầu tư vào phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Cách “làm bóng đá” này đã làm nên “màu cờ sắc áo” cho nhiều đội tuyển tỉnh-thành.
Được biết, Dự thảo “Đề án xã hội hóa đội tuyển bóng đá Bình Thuận” đặt ra mục tiêu: Năm 2022 thăng hạng nhất quốc gia, từ năm 2023 được thi đấu ở các giải chuyên nghiệp quốc gia… Đương nhiên không phải có đề án là đội tuyển được thăng hạng, càng không phải xã hội hóa là giao hoàn toàn đội tuyển cho doanh nghiệp, hay các ông “bầu”, rồi Nhà nước bỏ lơ trách nhiệm của mình. Nhưng người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà có quyền hy vọng rằng, có cách “làm bóng đá” đúng, cộng với tâm huyết, quyết tâm của những người thực hiện, thì nhất định có ngày bóng đá Bình Thuận được “nở mày nở mặt” với bàn dân thiên hạ.
Đặng Dũng