Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển: Công trình mong đợi của người dân đảo Phú Quý

Xã hội - Ngày đăng : 08:43, 02/12/2021

BT- Hàng năm, huyện đảo Phú Quý phải chịu các đợt triều cường và mưa bão, gây xói lở đất bờ phía tây và phía nam, thuộc 2 xã Tam Thanh và Ngũ Phụng. Do đó, khi dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển được khởi công, người dân huyện đảo rất vui mừng, bởi không còn phải thấp thỏm lo âu khi có mưa bão, đặc biệt hơn là có nơi neo đậu an toàn, ổn định cho toàn bộ tàu thuyền của ngư dân nơi đây.
Kè chống xâm thực ở Phú Quý. Ảnh: N.Lân

Bổ sung hạng mục

Năm 2012, huyện đảo Phú Quý đã khởi công xây dựng kè chống xói lở bờ biển giai đoạn 2 với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. Dự án này có tổng chiều dài hơn 2,5 km, bao gồm đoạn kè lạch Ông Bền, thôn Triều Dương, đoạn kè khu dân cư Hội An, đoạn kè chùa Thạnh Lâm đến UBND huyện Phú Quý, đoạn kè tiếp giáp kè Bãi Lăng đến chùa Thạnh Lâm. Ngoài ra, còn có 2 tuyến đê khu neo đậu tàu thuyền có tổng chiều dài hơn 1 km, bao gồm tuyến đê Tây và tuyến đê Đông thuộc khu vực bảo vệ bờ đoạn Đồn Biên phòng 464 (cũ).

Mới đây, dự án Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý vừa được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường và các hạng mục bổ sung. Theo đó, phần bổ sung sẽ nạo vét khu neo đậu tàu thuyền với tổng diện tích phần nạo vét là 13,49/15,68 ha (giữ lại 2 bãi đá tự nhiên phía đông bia ghi tên liệt sĩ và phía tây trạm tìm kiếm cứu nạn), tổng khối lượng nạo vét khoảng 182.000 m3 và các công trình phụ trợ khác. Đánh giá tác động môi trường là một trong những khâu khá quan trọng của dự án nhằm giảm thiểu tác động từ nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, bụi, khí thải… phát sinh trong quá trình thi công, xây dựng dự án. 

Theo đơn vị thi công, nước thải phát sinh từ quá trình nạo vét trong giai đoạn thi công xây dựng khoảng 333 m3/ngày; thành phần chủ yếu là chất rắn lơ lửng, vi sinh vật gây bệnh… Ngoài ra, bụi, khí thải phát sinh chủ yếu từ phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, vật chất nạo vét, thiết bị thi công nạo vét, xây dựng kè, cống thông thủy. Trong giai đoạn thi công xây dựng, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động nạo vét khoảng 20 kg/tháng, còn phát sinh từ hoạt động thi công kè khoảng 300 kg/ngày. Thành phần chủ yếu là sỏi, vụn san hô, vụn sò, bao bì ni-lon, rong rêu, ngư lưới cụ hư hỏng, đá, gạch vỡ, mảnh gỗ vụn, xà bần, sắt thép vụn…

Biện pháp bảo vệ môi trường

Để hạn chế nước thải từ bãi tạm thi công, chủ dự án sẽ bố trí bờ bao xung quanh cao 3m và gia cố bờ bao bằng các bao cát nhằm tránh tình trạng cát chảy tràn ra môi trường xung quanh. Đồng thời, bố trí rãnh thu gom nước rò rỉ để đưa ra bể lắng sơ bộ. Nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, sau đó thoát ra biển. Về phần xử lý bụi, khí thải tại khu vực công trường, kho chứa vật liệu thi công được che chắn bằng tường tạm, đặt cuối hướng gió; tưới nước thường xuyên tại các khu vực phát sinh nhiều bụi như bãi tập kết nguyên vật liệu, đường vào khu vực thi công.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các bãi tập kết vật chất sau nạo vét, chủ đầu tư sẽ trồng cây rau muống biển với khoảng cách 0,5 m/bụi. Lượng rau muống biển được tận dụng từ các khu vực san lấp vùng trũng thuộc xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh nhằm tạo màn chắn, không để vật chất nạo vét khuếch tán nhiều ra xung quanh cũng như tạo cảnh quan cho khu vực. Đối với bãi tập kết tiếp giáp khu dân cư thôn Tân Hải, xã Long Hải, sẽ bố trí thêm hàng rào che chắn bằng tôn, được cố định bằng các khối đá xây dựng. Song song đó, chủ đầu tư còn thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, độ rung trong giai đoạn thi công xây dựng. Đặc biệt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Quý, trong quá trình triển khai dự án, sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông tại dự án. Nếu không may xảy ra sự cố gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng, phải dừng ngay các hoạt động. Đồng thời, tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố, thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan để chỉ đạo và phối hợp xử lý.

Đến thời điểm này, hệ thống kè chống nước biển xâm thực trên đảo đang dần được khép kín, bảo vệ đảo trước sóng to gió lớn vào mùa mưa bão, gió bấc cuối năm. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ vành đai huyện đảo, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và vùng đặc quyền kinh tế. Bên cạnh đó, nhà cửa, tàu thuyền của người dân trên đảo cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật khác sẽ không bị ảnh hưởng khi có triều cường và bão tới cấp 10. Đây là 1 trong những công trình được người dân huyện đảo rất mong đợi.

 M.Vân