Cảnh giác tin nhắn giả mạo ngân hàng
Pháp luật - Ngày đăng : 06:33, 01/12/2021
Người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa. (Ảnh minh họa) |
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa có cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo đó, có 6 chiêu thức mà các đối tượng lừa đảo giả mạo giao dịch ngân hàng phổ biến mà người tiêu dùng cần lưu ý. Đó là lừa đảo qua thư điện tử (email); lừa đảo qua gửi tin nhắn điện thoại; lừa đảo qua giả mạo đầu số điện thoại, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ như công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án, hoặc cán bộ thu tiền điện, tiền nước gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, đe dọa người tiêu dùng về việc có dính líu đến các vi phạm hình sự, sau đó yêu cầu người tiêu dùng phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp; lừa đảo qua trang mạng (website) giả mạo. Theo đó, kẻ lừa đảo yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website giả gần giống như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet banking, Mobile banking trên địa chỉ giả mạo; lừa đảo thông qua mạng xã hội, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội như facebook, zalo… của người tiêu dùng; lừa đảo thông qua giao dịch thương mại điện tử, các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người tiêu dùng chuyển khoản đặt cọc.
Hiện nay đang rộ lên hình thức lừa đảo qua tin nhắn điện thoại. |
Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường tìm hiểu các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để tự bảo vệ mình. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền. Đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng uy tín để tránh bị “mắc bẫy” vào hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn danh dưới hình thức cho vay trực tuyến lãi suất cao. Người dân cần hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Đặc biệt cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè. Khi nhận được những thông tin này, người dân cần gọi điện xác thực với người thân, bạn bè để tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng. Người dân cũng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
Ngoài ra, khách hàng cần cảnh giác không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…; thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép. Không truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Người dân không nên lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt website nào...
Cuối năm là thời điểm các đối tượng lừa đảo công nghệ cao gia tăng hoạt động, do đó người dùng phải thực sự cảnh giác để không bị những kẻ xấu lợi dụng.
Nguyễn Luân