Vẻ đẹp cổ kính của đình làng Xuân An
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:12, 16/11/2021
Đình làng Xuân An. |
Theo lời kể của các vị cao niên quản lý đình làng, trong quá trình mở đất về phía Nam của các chúa Nguyễn, vùng đất Hòa Đa được các bộ phận cư dân người Việt từ các tỉnh miền Trung vùng “Ngũ Quảng” chọn làm nơi sinh sống và lập nghiệp. Sau khi cuộc sống đi vào ổn định thì bắt đầu xây dựng đình làng Xuân An để tôn thờ Thành hoàng và các bậc tiền nhân theo phong tục truyền thống nơi cố hương. Ngoài ra, đình còn thờ Thiên Y A Na - vị nữ thần được người Việt tiếp thu từ tín ngưỡng thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở của dân tộc Chăm, điều này thể hiện sự hòa hợp và giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm trên vùng đất Hòa Đa khi người Việt đến đây lập nghiệp.
Đình Xuân An là một quần thể kiến trúc bề thế, có quy mô rộng lớn và lối kiến trúc dân gian độc đáo, gồm các hạng mục: Cổng chính, đình thờ Thần (Chính điện), gian thờ Tiền hiền và nhà Nhóm. Cổng chính của đình được kiến tạo chủ yếu bằng gỗ, mái được lợp bằng ngói âm dương. Hai trụ cổng to lớn làm bằng gỗ lim chắc chắn, được chạm khắc phần đỉnh và tỏa ra bởi các vì kèo, trính để nâng đỡ toàn bộ phần mái. Chính điện có kết cấu kiến trúc kiểu nhà kép, còn gọi là “Trùng thiềm điệp ốc”, tòa nhà được tạo dựng hai nóc gồm nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng hệ thống trần thừa lưu thoát nước. Mái nhà chia làm hai tầng lợp ngói âm dương. Nội thất có 48 cột gỗ chia ngôi đình thành 3 gian 2 chái, bài trí 7 khám thờ được trang trí các bao lam gỗ viền xung quanh, mỗi khám thờ là một tác phẩm nghệ thuật chạm trổ điêu khắc mang tính thẩm mỹ cao, các hình tượng được bố trí hài hòa, phù hợp với kích thước và nội dung thờ phụng.
Nằm về hướng Đông của Chính diện là gian thờ Tiền hiền có kích thước tương đối lớn. Nội thất cũng được bố trí số cột tương tự như Chính diện nhưng chỉ có một nóc. Bằng kỹ thuật lắp ghép tinh xảo, các bộ phận kết cấu kiến trúc của đình được liên kết với nhau một cách vững chắc, tất cả tạo nên một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian bề thế. Nghệ thuật điêu khắc, tạo hình trên các bộ phận trong kết cấu kiến trúc ở các nóc nhà như kèo, trính, con đội; cũng như trên các hương án, khám thờ, bao lam, bài trí bên trong nội thất tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và sống động. Các hạng mục kiến trúc ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu chi tiết kiến trúc và trang trí mỹ thuật, tạo nên nét đẹp thẩm mỹ và giá trị bền vững cho đình làng Xuân An theo thời gian.
Tại đình làng còn bảo lưu được nhiều hiện vật tư liệu Hán Nôm có giá trị về lịch sử - văn hóa, mỹ thuật như câu đối, hoành phi, bài vị, xà cò, đại hồng chung và 8 sắc phong do các vua triều Nguyễn phong tặng cho các vị thần. Đây là nguồn sử liệu quý giá và góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành vùng đất Hòa Đa xưa.
Ông Nguyễn Duy Năm – người phụ trách Ban quản lý đình làng cho biết: Đình Xuân An được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Hàng năm đình làng diễn ra hai kỳ lễ hội chính. Lễ hội tế xuân diễn ra ngày 16 – 17/2 và lễ tế thu vào ngày 16 – 17/8 âm lịch. Nội dung, quy trình tổ chức các lễ hội vẫn được các thế hệ tiếp nối nhau trong cộng đồng thực hiện theo phong tục truyền thống do ông cha lưu truyền lại.
Thục Anh