Châu Âu tìm cách chống đỡ làn sóng dịch Covid-19 mới trước Giáng sinh
Quốc tế - Ngày đăng : 15:25, 21/11/2021
Chính phủ Đức ngày 20/11 cảnh báo có thể theo chân quốc gia láng giềng Áo triển khai các biện pháp cứng rắn nhằm đối phó với sự gia tăng mạnh các ca mắc Covid-19 trên khắp châu Âu. Dự kiến từ ngày 22/11, Áo sẽ tái phong tỏa trên toàn quốc và cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên yêu cầu toàn dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 - biện pháp mà các quốc gia khác ở Tây Âu đến nay vẫn nỗ lực né tránh vì lo ngại phản ứng dữ dội của công chúng và những thách thức tiềm ẩn khác.
Châu Âu tìm cách chống đỡ làn sóng dịch Covid-19 mới trước Giáng sinh. Ảnh: Getty
Làn sóng lây nhiễm thứ 4 đáng lo ngại đang trở thành một thực tế ở châu Âu, với tỷ lệ lây nhiễm tăng hơn 55% trong tuần qua. Tình hình căng thẳng không chỉ diễn ra tại Áo hay Hà Lan, mà còn ở Đức. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm ở Anh, quốc gia cách đây chưa đây 1 tháng vẫn thuộc hàng tồi tệ nhất ở châu Âu, giờ chỉ bằng một nửa so với Áo.
Trong phản ứng đầu tiên, Chính phủ Áo đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm chủng. Những người không thể xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng đầy đủ thì bị cấm tới các nhà hàng, quán ba, câu lạc bộ và nhiều địa điểm công cộng khác.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg, những biện pháp này dường như là không đủ và số ca mắc vẫn tiếp tục tăng lên
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, tiêm chủng là cách duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa dịch bệnh và phong tỏa. Chúng tôi không muốn có các làn sóng thứ 5, thứ 6 hay thứ 7”, ông Schallenberg nói.
Dù chưa có ý định tái phong tỏa và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc, song trước tình hình y tế ngày càng xấu đi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo các bang tại nước này đã quyết định cấm những người chưa tiêm phòng vaccine Covid-19 vào các nhà hàng, quán ba và tham gia các sự kiện công cộng. Chính quyền bang Bavaria, một trong những bang lớn nhất và giàu có nhất nước Đức, cũng đã ra lệnh đóng cửa chợ Nuremberg, một trong những địa điểm tổ chức Giáng sinh xa hoa và nổi tiếng nhất đất nước. Tuy nhiên, cũng giống như Áo, hiện có nhiều ý kiến tại Đức cho rằng những biện pháp này là chưa đủ và kêu gọi một lệnh phong tỏa toàn quốc ngay lập tức.
Tiến sĩ Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch nhấn mạnh: “Đây không còn là vấn đề của những đợt bùng phát riêng rẻ, mà là trên toàn nước Đức. Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia và chúng ta phải kéo phanh khẩn cấp ngay bây giờ. Nước Đức đã không còn ở giai đoạn kiểm soát dịch bệnh nữa. Chúng ta cần phải thay đổi hướng đi ngay bây giờ. Thực sự không còn thời gian để mất. Tất cả chúng ta đều có thể và phải kích hoạt các biện pháp đối phó khẩn cấp ngay bây giờ”.
Châu Âu là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao hàng đầu thế giới nhưng trong thời gian qua, số ca mắc mới lại tăng ở nhiều quốc gia. Nhiều nhà phân tích đánh giá vaccine Covid-19 đã đạt hiệu quả nhưng không thể một mình ngăn chặn hoàn toàn dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/11 cảnh báo, có thể sẽ có thêm 500.000 người tử vong ở châu Âu vì Covid-19 vào tháng 5/2022 trừ khi hành động khẩn cấp được thực hiện. Nguy cơ về một làn sóng nhiễm trùng mới lan rộng khắp châu lục, khiến các quốc gia phải công bố các biện pháp hạn chế mới đang ngày càng hiện hữu.
Thu Hoài/VOV