Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:52, 25/11/2021
Học viên thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận (ảnh tư liệu). Ảnh: Đ.Hòa |
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận đã có bước cải thiện đáng kể góp phần giúp cho hàng ngàn lao động được chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. 10 năm qua, trường đã đào tạo cho hơn 2.200 học viên, trong đó ngành phi nông nghiệp hơn 2.000 học viên theo học. Để đạt được kết quả đó, hàng năm trường phối hợp với xã/phường tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT thông qua các hình thức như: sao gửi các thông báo chiêu sinh, văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến doanh nghiệp, phường/xã; lồng ghép chiêu sinh các lớp LĐNT với các đợt tuyển sinh nghề dài hạn tại các trường THCS, THPT; cung cấp thông tin chiêu sinh qua các kênh truyền thông của trường như website, fanpage. Theo đánh giá của lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức về đào tạo nghề cho LĐNT được nâng lên. Người lao động đã chủ động tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, trường được thụ hưởng các chương trình đào tạo nghề trọng điểm từ Bộ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Do đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư cơ bản, thuận lợi cho công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng. Chương trình đào tạo nghề của trường đa dạng, được tổ chức đào tạo dưới nhiều hình thức phù hợp với người LĐNT vừa làm vừa học.
Tuy nhiên, do nhu cầu học nghề LĐNT tại các địa phương chủ yếu tập trung vào các nghề nông nghiệp, trong khi đó các nghề đào tạo tại trường thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, du lịch dịch vụ. Bên cạnh đó, trường đặt tại thành phố nên nguồn tuyển rất hạn chế và chi phí cho công tác tuyển sinh trường phải hỗ trợ thêm. Mặt khác, người học sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập không cao nên việc duy trì việc làm của người lao động thiếu bền vững. Ngoài ra, thiếu phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc xác minh đối tượng học đảm bảo đúng quy định nên có trường hợp chiêu sinh sai đối tượng. Tỷ lệ bỏ học giữa chừng của học viên khá cao, chiếm khoảng 33,27% so với đầu vào.
Để công tác đào tạo nghề LĐNT đạt hiệu quả, góp phần phục vụ nguồn nhân lực chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trường sẽ tổ chức đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các nghề phù hợp với quy hoạch phát triển các địa phương, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo đại diện lãnh đạo trường, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, công tác thông tin tuyên truyền, vận động phải thực hiện bằng nhiều hình thức, thậm chí “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; công tác chiêu sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với chương trình nông thôn mới ở từng địa phương. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, giữa nhà trường với người lao động, từ đầu vào (xác định nhu cầu đào tạo) đến tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra)… thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp trong việc xác định đối tượng người học nhằm tránh trường hợp chiêu sinh sai đối tượng (đã ký hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng vẫn có trong danh sách mở lớp).
KIM ANH