Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:50, 25/11/2021

BT- Thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), thời gian qua, huyện Hàm Tân đã xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề sát với tình hình thực tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đào tạo các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đồng thời, huyện có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.
Lớp dạy nghề may công nghiệp tại huyện Hàm Tân (ảnh tư liệu).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 80%

Dân số huyện Hàm Tân hiện nay có trên 70.000 người, trong đó khoảng 40.000 người trong độ tuổi lao động và gần 32.000 người có khả năng lao động. Tỷ lệ lao động đăng ký học nghề được đào tạo hàng năm đạt từ 80% trở lên, chủ yếu lao động qua đào tạo nghề dưới 3 tháng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 1956, UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề triển khai sát với tình hình thực tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đồng thời, có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong hơn 10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT được 161 lớp với gần 5.000 học viên. Sau học nghề người lao động đã có kỹ năng nghề để tham gia lao động tại các doanh nghiệp, tự tạo việc làm hoặc thành lập tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh… Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt trên 80% mỗi năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Hàm Tân còn những mặt hạn chế. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền chưa phong phú, tính hấp dẫn thuyết phục còn hạn chế. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện được giao nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu và lạc hậu so với công nghệ sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp. Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hành thực tập và rèn luyện tay nghề còn thấp. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề chưa có chiều sâu, người lao động còn yếu về các kỹ năng mềm.

Theo UBND huyện Hàm Tân, nguyên nhân của những hạn chế trên là do các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn huyện hầu hết có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ nên nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp này không nhiều. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chưa hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án du lịch để thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác đào tạo nghề cho LĐNT của các cấp chính quyền và hầu hết người lao động chưa sâu. Từ đó, dẫn tới định hướng về nghề nghiệp đối với học sinh, con em lao động các vùng nông thôn hiện nay chưa thực sự đúng đắn.

 Đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ

Thời gian tới, dự kiến trên địa bàn huyện sẽ hình thành các khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức; cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, Thắng Hải. Để đáp ứng nhu cầu lao động, huyện sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề và học nghề bằng nhiều hình thức. Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Mặt khác, huyện sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề. Gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, với thị trường lao động. Chuyển mạnh đào tạo nghề từ hướng nguồn cung sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, có chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề. Tiếp tục quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút người đến học nghề bằng các chính sách như vay vốn học nghề; giảm, miễn học phí cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Nghiên cứu tham mưu để đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi đối với dạy nghề. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp.

T.HÀ