Mở cửa trường học

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:23, 03/12/2021

BT- Con tôi đang học lớp 12, cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi mong con mình được tiêm đủ 2 mũi vắc xin để sớm trở lại trường học. Nhà có 5 người, ông bà, cha mẹ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, chỉ còn cậu con trai 17 tuổi chưa được tiêm mũi nào, nên cũng lo lắng. Hơn nữa, năm học cuối cấp đặc biệt quan trọng, chuẩn bị thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cha mẹ nào cũng lo con học trực tuyến sẽ không đạt chất lượng, không đủ kiến thức để đi thi.

Ngày cuối tuần vừa qua, nhận được giấy mời và chở con đến điểm tiêm chủng, tôi cùng tâm trạng phấn khởi với đông đảo các vị phụ huynh ở Bình Thuận. Còn các em học sinh, sau 7 tháng phải ở nhà học online để tránh dịch, các em đều nhớ thầy cô, trường lớp, bạn bè nên ánh mắt lộ rõ vẻ háo hức, chờ ngày trở lại học đường.

Phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm khi biết Bình Thuận vừa nhận về 46.800 liều vắc xin Pfizer (của Mỹ) để tiêm cho trẻ theo lộ trình: mũi 1 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Việt Nam chỉ sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em, đây là vắc xin đã được WHO khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và đã được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng tiêm cho trẻ em. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn tiêm chủng cho trẻ, trước ngày tiêm (27/11) ngành y tế Bình Thuận đã tổ chức tập huấn tiêm chủng vắc xin cho trẻ.

Nhưng không phải 100% phụ huynh học sinh đồng ý tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho con. Cũng không phải tất cả phụ huynh đều sẵn sàng cho con đi học trở lại. Qua khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh trước khi tiêm chủng, có một tỷ lệ nhất định không đồng ý tiêm. Một số gia đình còn đang cân nhắc cho con tiêm hay không? Đối với câu hỏi “có sẵn sàng cho con đi học trở lại?”, bên cạnh phần đông phụ huynh “sẵn sàng” thì cũng có nhiều gia đình chưa muốn cho con đi học, vì chưa yên tâm. Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến khó lường, chưa có điểm dừng với sự xuất hiện biến chủng Omicron, tâm lý lo lắng cũng là dễ hiểu. Có phụ huynh còn tuyên bố: Nếu không bảo đảm an toàn 100% cho con em, thì tôi sẽ không cho con em tới trường.

Đương nhiên, đòi hỏi “an toàn tuyệt đối” trong lúc này là không thể. Dù đã tiêm chủng thì cũng không ai dám chắc rằng khi trường học mở cửa, học sinh đi học trở lại, thì sẽ không xuất hiện F0 trong trường học. Chính vì vậy hầu hết phụ huynh học sinh băn khoăn rằng: Ngành y tế, ngành giáo dục sẽ xử lý như thế nào khi xuất hiện F0 trong trường học, khi học sinh đi học trở lại? Hay là “mở cửa” rồi lập tức “đóng lại”, như đã xảy ra ở một vài địa phương? Như thế thì rất khổ cho cả thầy cô và các em.

Mở cửa trường học là một vấn đề lớn và nhạy cảm, đánh dấu sự trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch, theo phương châm chung sống với Covid-19. Nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang từng bước mở cửa trường học. Nhưng mở cửa trường học cũng rất nhạy cảm, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chắc chắn, bảo đảm an toàn. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành khác sau khi tiêm vắc xin cho học sinh, đã có kế hoạch cho phép cấp THPT đi học trở lại trong nửa đầu tháng 12/2021, trước khi mở rộng dần ra các khối lớp khác. Lãnh đạo các thành phố này đang cân nhắc thận trọng quyết định mở cửa trường học, dựa trên mức độ dịch, độ phủ vắc xin học sinh, cũng như kinh nghiệm thí điểm mở cửa các trường học trước đó.

Ở Bình Thuận liên tục cả tuần nay số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày vẫn trên 500, trong đó hơn một nửa là trong cộng đồng. Vì thế tâm trạng của các phụ huynh có con đang học năm cuối cấp như tôi là dù rất nóng ruột, mong con sớm được trở lại trường học, nhưng cũng biết rằng không thể nóng vội, mà phải mở cửa trường học thận trọng, chắc chắn, dựa vào diễn biến dịch, độ phủ vắc xin học sinh, và kinh nghiệm của các địa phương đi trước.                                  

   Đặng Dũng