Cảm động với nghề

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:08, 04/12/2021

BT- Ngày 20/11 vừa qua, nhiều thầy cô còn nhớ đến đồng nghiệp hưu trí như tôi và gửi lời thăm hỏi chúc sức khỏe thật cảm động. Khi trao đổi, thấy quý thầy cô khá vất vả việc dạy - học trong mùa dịch, người ngoài ngành nhìn vào chắc không thể hiểu hết.

Bộn bề - tận tụy

Một cô giáo vừa bị tai nạn, đi lại khó khăn, nhưng phải ngồi soạn bài, rồi vào mạng dạy, nếu không trực tiếp dạy thì không có ai giúp dạy thay như khi dạy bình thường ở trường trước đây. Thầy cô từ hiệu trưởng đến giáo viên trong mấy tháng qua đều phải học trực tuyến bồi dưỡng chuyên môn chương trình giáo dục 2018, học chính trị, viết bài thu hoạch nộp qua mạng. Nếu ai không viết bài thu hoạch chuyên môn để nộp sẽ không cấp chứng chỉ, xem như chưa hoàn thành nhiệm vụ, phải nghiên cứu học lại làm bài để nộp. Những ai chậm trễ sẽ được nêu tên trên mạng (trong cùng group của tỉnh) xem như một hình thức phê bình. Việc học và làm bài đang tiến hành liên tục. Một cô giáo nói trường em vừa học xong modun 3, tháng 12 mới học modun 4. Có trường đã học đến modun 5. Công việc hướng dẫn học sinh sử dụng Azota để làm bài, nộp bài kiểm tra cũng hết sức khó khăn, nhiều khi học sinh gửi bài bị văng ra, thầy cô không nhận được, phải hướng dẫn nộp qua zalo. Riêng môn làm văn thì có nhiều điều suy nghĩ, bởi học sinh cóp bài trên mạng xáo trộn bố cục một cách chắp vá, nhiều em trong bài làm để nguyên một đoạn font chữ này một đoạn font chữ khác, để nộp cho thầy cô. Bài làm không thấy suy nghĩ cảm nhận diễn đạt nào của riêng bản thân các em. Tôi cảm thông chia sẻ nỗi niềm với thầy trò dạy – học trong mùa dịch bệnh. Một cô giáo nói tuy vất vả nhưng vui. Nếu không có những hoạt động ấy mà cứ quanh quẩn ở nhà thì buồn lắm. Hóa ra hoạt động nghề nghiệp của mỗi con người – nhất là người thầy dạy học, khi đã yêu nghề mến trẻ, nó còn có giá trị tinh thần trong công việc đến như vậy.

Ảnh minh họa. Ảnh: Đ.Hòa

Nhưng có trường đâu phải chỉ dừng lại chừng ấy công việc, khi tôi trao đổi với một thầy giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh để hỏi về một chuyện đời thường, thầy bảo đang chuẩn bị tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật về các huyện phát học bổng cho học sinh. Học sinh trường này rải rác đến tận các vùng sâu, vùng cao với 27 xã ở các huyện khá xa trường như Sông Bình, Phan Điền, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Hiệp… (Bắc Bình); La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến… (Hàm Thuận Bắc); Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Tân Thuận… (Hàm Thuận Nam) hay Suối Kiết, Gia Huynh, Măng Tố, La Ngâu… (Tánh Linh). Nhắc đến La Ngâu tôi nhớ đến anh phụ huynh Lương Cao Trí người dân tộc Thái, có con đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, là người trong thời gian qua đã đóng góp rất nhiều cho nhà trường trong việc giúp đỡ học sinh tham gia học online. Khi trường tổ chức dạy học qua mạng, đã gặp bao khó khăn từ sách giáo khoa đến máy tính, điện thoại cho 142 học sinh ở 8 xã trong huyện. Anh Trí rất tích cực cùng phối hợp với Đoàn Thanh niên ở địa phương chuyển sách giáo khoa của nhà trường cấp đến từng em. Điều đáng trân trọng là có 2 học sinh ở Đức Linh – khác huyện, cách chỗ anh đến 60 km, anh cũng tự nguyện chạy honda chở sách đến tận nhà để giao cho các cháu học. Khi vào thực học, một số học sinh không có máy, không có điện thoại, anh lập danh sách gửi về trường để các em nhận được số điện thoại từ chương trình “Điện thoại cũ cho em” của nhà trường gửi đến. Khi có điện thoại thì một số em không có wifi để vào mạng, anh phải chạy liên hệ những nhà gần có wifi xin cho các em đến học. Bây giờ thì tình hình học online của học sinh trung học phổ thông người dân tộc thiểu số ở huyện đã đi vào ổn định. Nếu được nhiều phụ huynh như anh hỗ trợ cho ngành chắc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn giáo dục hiện nay. Hệ thống loại trường chuyên biệt này trước đây các em đến trường học tập trung, được cấp chế độ học bổng, ở ký túc xá, ăn uống ngủ nghỉ do nhà trường chu cấp chăm lo. Bây giờ không đến trường được, ngồi học tại nhà, nhà trường vẫn duy trì chế độ học bổng cho các em, nên tổ chức phân công thầy cô giáo đến tận từng địa phương để giao tiền cho các em. 

Sáng ra từ gian khó

Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, các nhà trường buộc phải chuyển hình thức phương pháp dạy – học, nên đến giờ này, hầu hết quý thầy cô đều sử dụng khá thông thạo tin học trong dạy trực tuyến online. Đó là cơ sở thuận lợi để nhà trường từng bước áp dụng thông tin kỹ thuật số trong điều hành và dạy – học.

Võ Nguyên