Công điện ứng phó cơn bão RAI

Đời sống - Ngày đăng : 10:45, 15/12/2021

Sáng nay (15/12), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có công điện đến các địa phương trong tỉnh và các sở, ngành liên quan về chủ động ứng phó cơn bão RAI. Qua đó, để chủ động đối phó với bão, đảm bảo an toàn cho người và các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, sóng lớn, gió mạnh và sạt lở bờ biển, mưa, lũ ngập lụt xảy ra.

Theo đánh giá, đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng tới khu vực tỉnh Bình Thuận. Do đó, nội dung công điện nêu rõ, đối với tuyến biển: UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến, hướng di chuyển của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển. Đồng thời phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đánh bắt hải sản phù hợp.

bb26b0231390d8ce8181.jpg
Bờ biển Bình Thuận

Song song, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu, tai nạn, sự cố xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực bị sạt lở ven biển, nhất là các khu dân cư, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn. Kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển chủ động ứng phó, an toàn khi bão đổ bộ. Ngoài ra, phải rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án, kế hoạch phòng tránh, di dời, sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân. Theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải, báo cáo số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển.

Đối với đất liền, các địa phương theo dõi chặt chẽ dự báo mưa, lũ, phòng chống sạt lở, nhất là cửa sông, ven biển đang bị sạt lở khi bão đổ bộ, sẵn sàng tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Các sở ngành liên quan kiểm tra an toàn các hồ thủy điện, thủy lợi, công trình đang xây dựng; theo dõi tình hình mưa, lũ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa nước. Thông báo kịp thời cho khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ (nếu có) theo quy định…

Trước đó, theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới phía Tây Bắc Thái Bình Dương đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế là RAI. Lúc 1 giờ sáng nay (15/12), vị trí tâm bão RAI cách bờ biển phía Nam Phi-lip-pin khoảng 800km về phía Đông, cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, dự báo bão có khả năng mạnh thêm và đi vào Biển Đông trong khoảng đêm ngày 17, 18/12, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021. Từ ngày 19 - 20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền, trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Ngày và đêm nay, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1,5 - 2,5m.

Kiều Hằng