Bão RAI khả năng ảnh hưởng Bình Thuận: UBND tỉnh phát công điện chỉ đạo ứng phó
Đời sống - Ngày đăng : 18:58, 16/12/2021
Cụ thể, các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến, hướng di chuyển của bão, tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển. Phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn. Chỉ đạo và phối hợp với Ban quản lý cảng, khu neo đậu tránh trú bão tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chủ tịch UBND các địa phương ven biển gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải. Hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, báo cáo số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển theo quy định.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực bị sạt lở ven biển, nhất là các khu dân cư, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch (nếu có) và tài sản đến nơi an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, phương án ứng phó, kế hoạch di dời, sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Đối với đất liền, các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, dự báo mưa, lũ, sạt lở, xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Sẵn sàng các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa. Bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống.
Riêng các sở ngành liên quan theo dõi tình hình mưa, lũ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa nước. Thông báo kịp thời cho nhân dân khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ theo quy định. Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn an toàn giao thông tại các khu vực bị ngập lụt, sạt lở, ngầm, tràn khi bão đổ bộ.
Đặc biệt không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, nhằm chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão, mưa, lũ, ngập lụt, giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản, tàu thuyền, công trình cơ sở hạ tầng khi bão đổ bộ, mưa lũ lớn xảy ra...
Trước đó, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 16/12, toàn tỉnh có 201 tàu hoạt động xa bờ /1.503 lao động. Tàu hoạt động gần bờ 1.059 tàu/6.660 lao động. Phương tiện thủy nội địa neo đậu tại các bến trong tỉnh là 50 thuyền/225 thuyền viên; lồng bè nuôi trồng thủy sản gồm 101 lồng bè/279 lao động. Tất cả các tàu thuyền đều đảm bảo thông tin liên lạc với gia đình trên đất liền và các đồn biên phòng trong khu vực.